Điển hình trong công tác xoá nghèo

(Mặt trận) -Cùng với tập trung phát triển KT-XH, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được TP Hạ Long đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Từ những cách làm quyết liệt, đến nay Hạ Long là địa phương đầu tiên trong tỉnh không còn hộ nghèo.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Theo số liệu rà soát của TP Hạ Long, cuối năm 2020 thành phố còn 169 hộ nghèo, 332 hộ cận nghèo, đến hết tháng 11/2021 toàn thành phố chỉ còn 47 hộ cận nghèo và không còn hộ nghèo.

Để giảm nghèo bền vững, thành phố đã cụ thể hóa và vận dụng tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn. Sau sáp nhập địa giới hành chính (huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long) năm 2020, TP Hạ Long mới có 33 phường, xã, với trên 92.000 hộ gia đình. Qua rà soát, nắm bắt đặc điểm của từng xã, phường về điều kiện KT-XH, thành phố đã triển khai các giải pháp giảm nghèo áp dụng phù hợp với từng địa bàn đô thị và nông thôn một cách hợp lý.

Đối với khu vực nông thôn và các xã khó khăn, một trong những dự án được thành phố triển khai đạt hiệu quả cao là hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135. Trên cơ sở này, thành phố đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các mô hình sản xuất, tạo “cần câu” cho các hộ nghèo.

Nổi bật như các mô hình: Trồng 5.000 cây ba kích/0,5ha tại thôn Phú Liễn (xã Đồng Sơn); nuôi lợn thương phẩm tại xã Đồng Lâm; nuôi gà Lương Phượng thả vườn tại xã Đồng Sơn; trồng ổi Đài Loan tại xã Sơn Dương; nuôi trâu sinh sản với 30 hộ nghèo, cận nghèo ở nhiều xã tham gia; nuôi giống gà Tiên Yên ở các xã Kỳ Thượng, Đồng Sơn, Lê Lợi... Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo. Qua đó, thu nhập của các hộ gia đình tham gia mô hình tăng từ 5-10%/năm, từng bước thoát nghèo bền vững.

Cùng với phát triển kinh tế, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông tạo điều kiện cho người dân các xã vùng xa có điều kiện kết nối thuận lợi, mở hướng phát triển, cũng được Hạ Long đặc biệt quan tâm. Thành phố đã điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó nổi bật là ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho các xã vùng cao thực hiện chương trình 135, chương trình xây dựng NTM với tổng kế hoạch vốn đầu tư trên 139 tỷ đồng.

Chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xóm, liên các xã đã được củng cố, bê tông hóa. Đặc biệt là các tuyến đường giao thông từ thôn Khe Phương đến trung tâm xã Kỳ Thượng; mở rộng tuyến đường giao thông liên xã, thôn Khe Càn (Đồng Cầm), xã Đồng Sơn đi xã Kỳ Thượng đấu vào tỉnh lộ 342; hoàn thành đường đấu nối QL279 với tỉnh lộ 342 qua trung tâm xã Đồng Lâm... Qua đó, góp phần kết nối các khu dân cư, tạo mạng lưới liên kết các xã vùng cao với những vùng phụ cận, tạo điều kiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Không chỉ sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách giảm nghèo, TP Hạ Long cũng tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn. Qua đó, tạo động lực hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở, tư liệu sản xuất, việc làm... Tính riêng năm 2021, thành phố đã hỗ trợ việc làm cho 65 hộ, với mức thu nhập 5-8 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ bằng hiện vật (cây, con giống, thiết bị, máy móc sản xuất... tổng trị giá 770 triệu đồng) cho 112 hộ triển khai mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ 39 hộ xây mới nhà ở, 27 hộ sửa chữa nhà ở, trị giá mỗi ngôi nhà từ 200 triệu đồng trở lên, trong đó có những nhà không có đối ứng; tặng nhiều sổ tiết kiệm từ 10-50 triệu đồng/sổ; hỗ trợ các vật dụng thiết yếu trong gia đình, như ti vi, tủ lạnh, quạt điện, máy sưởi...

Nhờ đó nhiều hộ khó khăn tiếp tục được hỗ trợ như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thiệu (khu 1, phường Hà Khẩu), có hoàn cảnh rất khó khăn. Bản thân ông Thiệu đã ngoài 70 tuổi, không còn khả năng lao động, con bị ung thư, gia đình sống trong ngôi nhà cũ xây dựng từ năm 1981 đã xuống cấp, không an toàn. "Được phường hỗ trợ kinh phí, Công ty Gốm Viglacera hỗ trợ gạch, ngói các loại, gia đình tôi mới có thể xây dựng căn nhà kiên cố. Năm nay cả gia đình được đón Tết trong ngôi nhà mới, ai cũng phấn khởi; gia đình tôi rất yên tâm sinh sống và đăng ký ra khỏi diện hộ nghèo của phường" - ông Thiệu chia sẻ.

Nguyễn Thanh