Đem mái ấm đến với người nghèo

(Mặt trận) -Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm vận động các nguồn lực cùng chung tay ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Ông Đỗ Minh Tân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

Sóc Trăng trao 120 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ khó khăn

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La lần thứ hai, khóa XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 3, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029

 Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang kiểm tra tiến độ làm nhà cho người nghèo tại huyện Hàm Yên.

PV: Thưa ông, thời gian qua, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được MTTQ các cấp triển khai như thế nào?

Ông ĐỖ MINH TÂN: Thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ trì, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo trong vận động, huy động nguồn kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đặc biệt việc vận động, tiếp nhận và quản lý, sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” đã được MTTQ các cấp triển khai thực hiện nền nếp, có hiệu quả hàng năm. Từ năm 2016-2021, Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho trên 2.000 hộ nghèo với tổng kinh phí trên 50,6 tỷ đồng, qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trung bình 3%/năm.

Để giúp người nghèo có nơi ở ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Đến thời điểm hiện tại, đề án này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII; Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì xây dựng, ban hành Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025 hoàn thành làm mới và sửa chữa 3.820 căn nhà cho hộ nghèo toàn tỉnh. Trong đó tổng số nhà làm mới là 2.861 căn, sửa chữa là 959 căn. Mức hỗ trợ theo Đề án là 50 triệu đồng/căn đối với làm mới nhà ở và không quá 25 triệu đồng/căn đối với sửa chữa nhà ở với tổng nguồn lực hỗ trợ cần huy động là trên 167 tỷ đồng. Trong năm 2022, mục tiêu là sẽ vận động, huy động nguồn lực để thực hiện hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho 1.606 hộ nghèo. Đến thời điểm này, Mặt trận các cấp đã và đang triển khai thực hiện làm mới và sửa chữa nhà ở cho 410 hộ nghèo.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo có nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà còn tương đối cao, MTTQ các cấp đã có những cách làm cụ thể gì để đảm bảo việc hỗ trợ chính xác, khách quan, đúng đối tượng?

- Để đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, từ khâu khảo sát, rà soát hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát có nhu cầu làm nhà ở để đưa vào Đề án đã được MTTQ các cấp triển khai dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch từ cơ sở, khu dân cư. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Kế hoạch, chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư chủ trì, phối hợp với chính quyền tiến hành phát phiếu khảo sát đến từng hộ nghèo, đảm bảo hộ được phát phiếu phải là hộ nghèo có tên trong danh sách hộ nghèo theo Quyết định của UBND cấp xã (tại thời điểm khảo sát).

Trong quá trình thực hiện, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố tổ chức họp dân trong thôn, tổ dân phố để xem xét thống nhất đề nghị; danh sách hộ nghèo đề nghị hỗ trợ làm nhà ở đều có chữ ký và dấu xác nhận của UBND cấp xã, cấp huyện.

Đề án cũng quy định rất rõ về đối tượng, cách thức và các thủ tục, hồ sơ cần thiết để thực hiện hỗ trợ, như: Giấy chứng nhận hộ nghèo; biên bản họp thôn, tổ dân phố; đơn đề nghị hỗ trợ và cam kết sửa chữa, làm mới nhà ở của hộ nghèo; tờ trình của MTTQ cấp xã, cấp huyện. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ xem xét và thực hiện hỗ trợ theo Đề án. Đặc biệt danh sách hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở sẽ được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để nhân dân biết và giám sát.

Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, MTTQ các cấp trong tỉnh đã có những giải pháp như thế nào để huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, thưa ông?

- Nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang  đã và đang có những giải pháp tập trung tuyên truyền sâu rộng về Đề án đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhằm tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo.

Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể theo từng năm, có kèm theo danh sách của hộ nghèo. Đồng thời có kế hoạch phát động, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp để tạo thêm nguồn lực thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang cũng chủ trì, phối hợp làm việc với với một số ngành liên quan và huyện Hàm Yên - đơn vị thực hiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện; ký các chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tập trung huy động nguồn lực thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo theo Đề án.

ANH VŨ (THỰC HIỆN)