Để Nhân dân giám sát đến cùng

(Mặt trận) -Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Cán bộ tốt hay xấu, cứ hỏi dân là biết hết”. Chính tai mắt Nhân dân đã góp cho tổ chức đảng có cái nhìn khách quan, chân thật để có những giải pháp lãnh đạo hợp lòng dân, đúng ý Đảng. Vì thế, cần có các biện pháp phù hợp để Nhân dân giám sát đến cùng.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”. Cụ thể hóa nội dung này, năm 2021, Mặt trận các cấp đã tổ chức gần 21.800 cuộc giám sát, trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì giám sát 454 cuộc, cấp huyện giám sát 3.327 cuộc, cấp xã giám sát 17.947 cuộc. Tổng số hoạt động giám sát do ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan là hơn 29.000 cuộc. Trong đó, có 3 chuyên đề giám sát tiếp công dân, giám sát cán bộ, đảng viên và giám sát Luật Đất đai được triển khai trong hệ thống MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, đã kiến nghị nhiều nội dung xác đáng.

Đáng chú ý, kết quả thực hiện giám sát và phản biện xã hội năm 2021 của Mặt trận các cấp cho thấy, nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát đều được chính quyền và các ngành chức năng chỉ đạo xem xét, giải quyết, góp phần tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân.

Kết quả này có được là do hàng loạt cơ chế, chính sách, các chủ trương tạo điều kiện và hành lang pháp lý của Đảng và Nhà nước về công tác giám sát, phản biện ngày càng đi vào cuộc sống. Đặc biệt, Nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động giám sát, thể hiện rõ trách nhiệm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi lĩnh vực đời sống, từ kinh tế - xã hội đến xây dựng Đảng…

Tuy nhiên, có thể thấy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Nhân dân còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Dù đã có các quyết định, quy định từ Trung ương nhưng công tác tổ chức triển khai đến người dân vẫn chưa thật tốt nên việc triển khai giám sát cá nhân cán bộ, đảng viên có nơi, có lúc còn lúng túng về phương pháp, cách làm. Phạm vi giám sát, phản biện xã hội rất rộng, nhưng năng lực, trình độ, số lượng cán bộ Mặt trận, đoàn thể còn rất hạn chế, bất cập; chưa thực hiện tốt việc phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trong giám sát cá nhân cán bộ, đảng viên.

Cùng với đó, hoạt động giám sát của Nhân dân hiện nay chủ yếu thể hiện qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng nhưng hoạt động của tổ chức này ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế, hình thức… Ngoài ra, những cơ chế bảo vệ người tố cáo tiêu cực dù đã được ban hành nhiều nhưng vẫn chưa đủ tạo lòng tin đối với quần chúng nhân dân trong việc phản ánh những sai phạm của cán bộ, đảng viên đến cấp có thẩm quyền...

Vẫn biết đấu tranh với những sai phạm không bao giờ là dễ dàng. Trong khi đó công cuộc đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang tiếp tục tạo được sự đồng thuận, nhất trí rất cao của các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện quyết liệt, đã tăng cường thêm niềm tin của Nhân dân. Kết quả đó có vai trò của việc đẩy mạnh giám sát của Mặt trận, của Nhân dân để kịp thời ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng.

Vì vậy, để mọi việc đạt kết quả như mong muốn, để Nhân dân giám sát đến cùng thì rõ ràng phải kiên quyết, quyết liệt với những cái xấu, cái chưa tốt như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sắp tới còn làm mạnh hơn nữa, đúng pháp luật, đúng lương tâm, để giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn là chính, chứ không phải cốt xử nhiều mới là tốt”.

Do đó, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mới đây, nhiều ý kiến trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng, MTTQ các cấp cần nâng cao thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; các quy định, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đa dạng hóa cách thức lắng nghe được nhiều ý kiến của các tổ chức thành viên; kịp thời tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh tới Đảng và Nhà nước; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, thống nhất hành động với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, để tạo thành sức mạnh tổng hợp của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở…

Cụ thể là để phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân hơn nữa, Mặt trận cần xây dựng những kế hoạch cụ thể, không chỉ làm phong trào theo hướng chung chung mà cần cụ thể ở từng vùng, từng lĩnh vực, chuyên mục khác nhau. Phải tập trung giám sát, phản biện một số vấn đề, vụ việc cụ thể, trọng điểm. Giám sát phải đi xuống tận nơi, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đặc biệt là ý kiến người dân chứ không chỉ là thông qua các bản báo cáo. Vì chỉ khi đến tận nơi, giám sát, phản biện xã hội đến cùng, “truy” triệt để vấn đề, “theo đuổi” đến khi vụ việc được giải quyết xong thì việc giám sát mới tạo tiếng vang, có tác dụng thay đổi những bất cập, đồng thời tạo được niềm tin cho người dân.

Mặt khác, với vai trò giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận cần lựa chọn những vấn đề bức xúc trong dân để giám sát, phản biện. Ví như hiện nay là các vụ việc tiêu cực, tham nhũng làm Nhân dân mất niềm tin trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 đang làm “nóng” dư luận xã hội. Hay các vấn đề sai phạm liên quan đến quản lý đất đai và quản lý sử dụng tài sản nhà nước khiến Nhân dân bất bình suốt thời gian qua cũng cần được Mặt trận vào cuộc giám sát, bao gồm cả giám sát, phản biện những vấn đề cần thiết như hoạch định chính sách, có chủ trương trên lĩnh vực đất đai để chủ động khép lại dần những kẽ hở, vấn đề, ngăn chặn kịp thời những sai phạm.

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc MTTQ Việt Nam cần đóng vai trò nòng cốt để các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các chương trình giám sát, phản biện ngay từ đầu mỗi năm thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. MTTQ cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo tính khoa học của giám sát, phản biện xã hội, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Mà muốn thế, rất cần sự vào cuộc tích cực, năng lực, trình độ, bản lĩnh của cán bộ mặt trận các cấp để phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận…/.

Thu Hà