(Mặt trận) -Thời gian qua, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyen đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ để người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Sự hỗ trợ này đã đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
|
Việc được hỗ trợ xây dựng công trình phụ đã giúp cải thiện điều kiện sống cho gia đình chị Triệu Thị Thủy, ở xóm Khe Quân, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). |
Huyện Đồng Hỷ hiện có 2.396 hộ nghèo và 1.575 hộ cận nghèo. Trong đó, 1.776 hộ nghèo và 1.038 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS. Trong số 12 chỉ số thiếu hụt dịch vụ cơ bản của hộ nghèo, các tiêu chí về chất lượng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, nguồn nước sinh hoạt là những chỉ số khó thực hiện tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với Đồng Hỷ, số hộ thiếu hụt các chỉ số trên tập trung nhiều nhất ở 2 xã Văn Lăng và Tân Long.
Cụ thể, xã Văn Lăng có 411 hộ có chất lượng nhà ở không đảm bảo, 552 hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh và 397 hộ không tiếp cận được nguồn nước trong sinh hoạt. Với xã Tân Long, 161 hộ có chất lượng nhà ở không đảm bảo, 301 hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh và 29 hộ không tiếp cận được nguồn nước trong sinh hoạt. Do nguồn thu nhập của người dân ở các địa phương này còn thấp, cộng với những phong tục tập quán của đồng bào DTTS nên các chỉ số trên được xác định là rất khó thực hiện.
Để giúp các hộ nghèo, cận nghèo cải thiện điều kiện sống, từ tháng 3-2021 đến nay, Sở Ngoại vụ và tổ chức phi Chính phủ của Mỹ Habitat for Humanity Vietnam đã triển khai Dự án “Cải thiện điều kiện sống, sức khỏe và nơi ở cho đồng bào DTTS” (gọi tắt là Dự án Habitat) trên địa bàn xã Văn Lăng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1,6 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Dự án Habitat sẽ hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới và sửa chữa nhà cho một số hộ nghèo; xây dựng nhà vệ sinh; sửa chữa công trình công cộng và công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Gia đình chị Triệu Thị Thủy, dân tộc Nùng, xóm Khe Quân, xã Văn Lăng, thuộc diện hộ nghèo, là một trong những hộ được hỗ trợ bởi Dự án. Nhà có 5 nhân khẩu, kinh tế khó khăn nên chị Thủy chưa nghĩ tới việc xây công trình phụ, dù hạng mục gia đình đang sử dụng còn rất sơ sài, tạm bợ, không đảm bảo yếu tố an toàn và vệ sinh môi trường. Thông qua Dự án Habitat, chị Thủy được hỗ trợ 4 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh. Chị Thủy chia sẻ: Với số tiền được hỗ trợ, gia đình tôi vay mượn thêm 3 triệu đồng nữa để xây dựng công trình phụ. Công trình được ngăn làm đôi, một bên là nhà vệ sinh, bên còn lại là phòng tắm cho cả gia đình. Có công trình phụ khang trang, các thành viên trong gia đình ai cũng rất vui.
Cùng với nhà chị Thủy, 19 hộ là đồng bào DTTS khác trên địa bàn xã Văn Lăng cũng đã được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh. Ngoài ra còn có 26 hộ được hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xóm Vân Khánh; sửa chữa 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xóm Khe Mong và Tân Thịnh; tổ chức 13 lớp truyền thông, tập huấn nâng cao kiến thức cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, cho biết: Dự án đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, làm thay nhận thức của đồng bào DTTS về bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Thấy được cái lợi từ Dự án, nhiều gia đình ỏ Văn Lăng đã chủ động bỏ tiền làm công trình phụ, sửa chữa nhà ở mà không cần đến sự hỗ trợ. Thông qua Dự án cũng đã góp phần hỗ trợ xã hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Từ thực tế triển khai cho thấy, những kết quả từ Dự án Habitat đã góp phần thiết thực giúp người nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận gần hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, việc giúp họ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cũng tạo điều kiện cho đồng bào nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, năm 2017, huyện Đồng Hỷ có hơn 21% hộ nghèo và trên 11% hộ cận nghèo. Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, đến đầu năm 2022, số hộ nghèo của toàn huyện giảm xuống còn 9,81% và 6,45% hộ cận nghèo. Người dân trên địa bàn ngày càng được tạo điều kiện để tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản như: Bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm...
Bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ, cho hay: Hằng năm, chúng tôi phối hợp với phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tổ chức rà soát, xác định các nguyên nhân nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Căn cứ theo mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để có những hỗ trợ, giúp đỡ thông qua các nguồn lực từ các chương trình, dự án, các tổ chức, nhà hảo tâm...
V.C