Đầm Hà (Quảng Ninh): Nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình

(Mặt trận) -Từ thực trạng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải, ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình. Mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, làm cho diện mạo nông thôn của huyện ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Phú Yên: Đại hội điểm MTTQ huyện Phú Hòa lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai lần thứ 13 khóa XV

Cà Mau: Lấy ý kiến đóng góp dự thảo các văn bản Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ X

 Người dân thôn Đông, xã Dực Yên (huyện Đầm Hà) xây hố ủ rác hữu cơ tại gia đình.

Theo số liệu của UBND huyện Đầm Hà, tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình phát sinh hằng năm trên địa bàn huyện là gần 13.000 tấn. Thực tế hiện nay, chỉ có một phần nhỏ rác thải sinh hoạt được phân loại, thu gom tái chế, còn lại là rác thải chưa được phân loại ngay tại nguồn. Các đơn vị tham gia thu gom rác trên địa bàn huyện chủ yếu thu gom lại rồi vận chuyển đi xử lý tại các bãi rác tập trung theo hình thức chôn lấp.

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Đầm Hà đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo. Sự vào cuộc đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động từ cơ quan, đơn vị, đến cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.

Trong đó, hội phụ nữ các cấp của huyện đóng vai trò nòng cốt trong công tác vệ sinh môi trường, nhất là triển khai mô hình hố ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh cho hội viên và nhân dân trên địa bàn. Chủ tịch Hội LHPN huyện Đầm Hà Hoàng Mỹ Linh cho biết: Bám sát chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi chỉ đạo các cơ sở hội trực thuộc phối hợp với các hội, đoàn thể, tăng cường tuyên truyền đến hội viên và nhân dân tham gia mô hình hố ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tại các hộ gia đình.

 Hội viên phụ nữ xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) được hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình.

Từ tháng 5/2022, Hội LHPN huyện đã tổ chức lớp tập huấn cho 600 cán bộ, hội viên phụ nữ tại 9 xã, thị trấn trong toàn huyện để triển khai mô hình hố ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh. Các cán bộ, hội viên và nhân dân được giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam truyền đạt về cách phân loại rác thải sinh hoạt và phương pháp làm men vi sinh xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ theo quy mô hộ gia đình phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sau khi tập huấn, hằng tuần Hội LHPN huyện cùng các chuyên gia trực tiếp xuống từng cơ sở hội, chi hội phụ nữ tại các xã để hướng dẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc, từ xây hố rác, cách phân loại xử lý rác, rắc men vi sinh theo tiêu chuẩn đạt hiệu quả nhất.

Một trong những địa phương triển khai tích cực nhất là xã Dực Yên. Toàn xã có tổng số 400 hội viên phụ nữ sinh hoạt tại 4 thôn. Triển khai mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình, ngay từ năm 2021, Hội LHPN xã đã cùng các hội, đoàn thể xã tập trung tuyên truyền đến tất cả các hội viên và đã có 24 hộ đăng ký tham gia. Năm 2022, triển khai mô hình này, các hội, đoàn thể khác cùng tham gia và được Nhà nước hỗ trợ vật liệu, nắp hố, men vi sinh... trị giá từ 500.000-600.000 đồng/hố. Đến nay, toàn xã có 174 hộ tham gia và đã mang lại hiệu quả tích cực.

 Hội LHPN thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà) ra mắt CLB mô hình xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh tại các hộ gia đình.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Đầm Hà đã thực hiện được 883 hố ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình. Cùng với đó, hội phụ nữ các xã, thị trấn đã thành lập 9 CLB mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình. CLB có vai trò tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn thành viên tham gia mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình hiệu quả nhất, lan tỏa rộng khắp các địa phương trong toàn huyện.

Mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình trên địa bàn huyện Đầm Hà đã giúp việc phân loại rác tại nguồn, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, cũng như môi trường. Điều này góp phần giảm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, giảm thiểu tác hại môi trường, tái tận dụng làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nguồn ngân sách của huyện.

Dương Trường