Đak Đoa quan tâm hỗ trợ phụ nữ nghèo

(Mặt trận) -Bằng việc hỗ trợ hội viên vay vốn ưu đãi, tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng mái ấm tình thương, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã giúp nhiều hội viên nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

 Bà Amyoch (thôn Dơk Dơng, xã Glar) vui mừng khi được hỗ trợ xây nhà mới. Ảnh: Đinh Yến

Là hộ cận nghèo, năm 2016, chị Wưm (thôn Bông) được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Hà Bầu hỗ trợ vay ưu đãi 40 triệu đồng để trồng hơn 100 trụ hồ tiêu. Chị còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn để nắm bắt kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu cho năng suất cao. “Chồng bỏ đi với người phụ nữ khác, mình ở vậy nuôi 2 con khôn lớn. Hàng ngày, mình tranh thủ chăm sóc vườn hồ tiêu; khi rảnh rỗi thì đi làm thuê. Tiết kiệm chi tiêu nên mỗi năm cũng dành ra được vài chục triệu đồng”-chị Wưm chia sẻ.

Bà Sưk-Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Bầu-cho biết: Chị Wưm là 1 trong hàng trăm hội viên phụ nữ nghèo trong xã được quan tâm hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Ngoài vay vốn, các chi hội còn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ mua phân bón trả chậm cho hội viên nghèo. Nhờ đó, chị em có điều kiện vươn lên, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Trước đây, bà Amyoch (thôn Dơk Rơng, xã Glar) luôn mong mỏi có một ngôi nhà mới cho bản thân và 2 đứa cháu nội mồ côi. Bà trải lòng: “Tôi năm nay đã già; con trai lại qua đời do tai nạn giao thông. Sau đó, con dâu bỏ đi, để lại 2 đứa con nhỏ. Thương cháu, tôi đón chúng về nuôi, rau cháo đắp đổi qua ngày”. Chia sẻ với hoàn cảnh 3 bà cháu, UBND xã Glar phối hợp với các đoàn thể kêu gọi các Mạnh Thường Quân cùng chung tay giúp đỡ làm nhà cho bà Amyoch. Tháng 10-2021, ngôi nhà khang trang trị giá 70 triệu đồng đã hoàn thành trong niềm xúc động vô bờ của bà Amyoch.  

Tại xã Đak Krong, để hỗ trợ phụ nữ khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, Hội LHPN xã đã triển khai thực hiện mô hình “Vốn xoay vòng” tại 7/7 chi hội. Bà Phạm Thị Thắm-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho hay: Mô hình được triển khai từ năm 2011 nhằm giúp hội viên khó khăn có được một số vốn nhất định để đầu tư làm ăn. Đến nay, nguồn vốn đã huy động được 286 triệu đồng, hỗ trợ cho 16 hội viên nghèo vay phát triển sản xuất. “Nhờ vốn xoay vòng, nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình như chị Nguyễn Thị Minh ở Chi hội thôn 3. Sau khi mượn 10 triệu đồng, chị Minh có thêm vốn đầu tư trồng rau sạch, thu nhập cải thiện đáng kể”-bà Thắm thông tin.

Bà Nay Danh Nam-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Đoa-cho hay: Việc giúp hội viên nghèo, yếu thế trên địa bàn luôn được các cấp Hội đặt lên hàng đầu. Nhiều chương trình, mô hình tiết kiệm đã mang lại hiệu quả. Đơn cử như mô hình tiết kiệm 5-10 triệu đồng/hộ gia đình/tổ (mỗi tổ có 10-15 hội viên). Các tổ rà soát, bình xét giúp hội viên khó khăn mua công cụ sản xuất như: công nông, xe máy.

Tính từ năm 2016 đến nay, mô hình tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên/tháng của các cơ sở Hội đã huy động được hơn 1,7 tỷ đồng giúp 306 hội viên, phụ nữ nghèo vay không tính lãi. Bên cạnh đó, thông qua chương trình “Mái ấm tình thương”, các cơ sở Hội đã xây tặng 13 ngôi nhà với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng cho hội viên khó khăn về nhà ở. Đáng chú ý, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN huyện Đak Đoa đã ra mắt 5 mô hình “Vận động hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu để vươn lên thoát nghèo bền vững”. “Thực tế còn rất nhiều chị em, đặc biệt là chị em người dân tộc thiểu số chưa biết cách quản lý thu nhập gia đình dẫn đến chi tiêu chưa hợp lý và tiết kiệm, khiến việc tích lũy vốn, tái đầu tư trở nên hạn chế. Hội triển khai mô hình này nhằm hỗ trợ chị em kiến thức, kỹ năng trong quản lý chi tiêu, tiết kiệm, dành vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả hơn”-Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Đoa thông tin thêm.

ĐINH YẾN