Công nghệ thông tin “Xương sống” của đô thị thông minh

(Mặt trận) - Khái niệm “đô thị thông minh” còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Trong quản lý nhà nước, hiện Việt Nam chưa có những quy định thật sự cụ thể về đô thị thông minh. Đến nay, sau hơn một năm phát động, thông qua một số buổi hội thảo, tọa đàm, khảo sát... dưới sự chủ trì của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã có một số tỉnh, thành phố trong nước bắt tay vào xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Hội thánh Tin lành Việt Nam và Tòa Giám mục Giáo phận Hưng Hóa

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Tiền Giang thăm, chúc mừng Lễ Giáng sinh

Tuy nhiên, do mới tiếp cận trong một thời gian ngắn, những tri thức về lĩnh vực này chủ yếu được tham khảo trên cơ sở kinh nghiệm của nước ngoài. Việc xây dựng, triển khai đề án đô thị thông minh ở Việt Nam do đó còn có nhiều quan điểm, và trong thực tế mới dừng lại ở việc cung cấp những dịch vụ cơ bản như điện, nước, giao thông và công nghệ thông tin như mạng internet, cáp, truyền hình...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã được giao triển khai thực hiện chương trình tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững. Bộ Xây dựng đang xây dựng những văn bản pháp luật để hướng dẫn cho các địa phương khi xây dựng các giải pháp, tiêu chuẩn, quy chuẩn để xây dựng công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng và giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo cho công trình xây dựng. Các địa phương hiện nay đã bắt đầu xác định và xây dựng một số đô thị thí điểm. Tuy nhiên hiện các đô thị triển khai xây dựng đô thị thông minh mới chỉ tiếp cận ở góc độ quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin thông qua bộ máy hành chính, chưa có bộ máy đồng bộ đúng nghĩa là một đô thị thông minh, bao gồm tất cả từ quy hoạch, giải pháp, công nghệ... Phía Việt Nam cũng đã nghiên cứu về mô hình này ỏ các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ... và nhận thấy mỗi nước lại có cách tiếp cận khác nhau về giải pháp đô thị thông minh.

Tuy còn nhiều hướng tiếp cận và không dễ dàng đi đến sự thống nhất, nhất là trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng cho rằng, công nghệ, hay cụ thể hơn là hạ tầng công nghệ thông tin chính là “xương sống” của một đô thị thông minh. Một đô thị có nền tảng công nghệ thông tin tốt thì mới có thể quản lý, điều khiển được mọi thứ trên một thiết bị điện tử chẳng hạn như điện thoại di động. Tức là người dân dù ở xa, vẫn có thể vào mạng biết được ngôi nhà của mình đang như thế nào, con cái ở nhà ra sao... nếu thiết kế ngôi nhà của mình thành một ngôi nhà thông minh.

Tuy nhiên, nếu chỉ là “ngôi nhà thông minh” thì chưa đủ, đó mới là hạt nhân, công nghệ thông tin phục vụ cho đô thị thông minh phải lan tỏa. Từ từng ngôi nhà, công nghệ thông tin mở rộng áp dụng cho các cụm nhà ở trong đó thị, rồi đến tiểu khu đô thị thông minh, và sau đó lan tỏa sang cả thành phố. Nền tảng công nghệ thông tin này cũng được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực trong đô thị, từ y tế, cứu hỏa, cấp thoát nước... Để điều khiển được toàn bộ thành phố trên hệ thống công nghệ thông tin là điều không hề đơn giản. Hiện các quốc gia tiên tiên trên thế giới cũng mới chỉ xây dựng được các khu đô thị thông minh, chứ chưa có cả một thành phố thông minh.

Trong đô thị có nhiều lĩnh vực, nhưng trong đô thị thông minh thì tất cả các yếu tố cấu thành đều phải thể hiện sự “thông minh” này, như đã nói ở trên, từ lĩnh vực giao thông (các phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông sẽ bị camera giám sát ghi lại, phản hồi thông tin ngay về trung tâm xử lý; hoặc trong điều khiển giao thông, tại những điểm ùn tắc, đèn tín hiệu giao thông có thể chuyển hướng di chuyển sang hướng khác, thậm chí tự chiều chỉnh thời gian nhanh chậm của đèn tùy vào lưu lượng phương tiện tham gia giao thông...); trong cấp điện, chiếu sáng đô thị cũng tương tự (đèn nào hỏng, hỏng ở đâu chỉ cần nhìn trên hệ thống là có thể biết được); trong cấp thoát nước cũng vậy (chỗ nào rò rỉ đều được thể hiện trên hệ thống, để được sửa chữa kịp thời)...

Ở các đô thị Việt Nam hiện nay, những điều kiện để thực hiện được như trên còn khá khó khăn. Chẳng hạn như trong lĩnh vực giao thông vận tải, Trung tâm điều khiển giao thông Thủ đô mới ở mức độ thí điểm, xe bus điều khiển bằng hệ thống định vị cũng mới triển khai... Để có thể triển khai được thuận lợi và đồng bộ, các chuyên gia cho rằng, vấn đề phát triển đô thị thông minh cần phải được đưa vào định hướng phát triển đô thị Việt Nam nói chung, Chính phủ cũng cần có định hướng rõ ràng hơn về vấn đề này... Muốn được như vậy, các chuyên gia khẳng định cần thực hiện thí điểm, có thể bắt đầu từ những khu đô thị thông minh trước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Còn đối với những khu đô thị lớn, nên chọn trọng điểm chứ không nên vội vàng thực hiện trên quy mô cả đô thị. Đồng thời thực hiện đồng bộ cả ở hạ tầng kỹ thuật, và hạ tầng xã hội - những lĩnh vực liên quan mật thiết đến hoạt động hàng ngày của con người... Trong nội ngành nào thì ngành đó sẽ tự lo, còn các hạ tầng liên quan khác như cấp điện, cấp nước, chiếu sáng thì có thể kết nối đồng bộ.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Thành ủy Hải Phòng về xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: Hoàng Anh

Ngày 06/11/2016, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ thành phố Hải Phòng về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và việc xây dựng đô thị thông minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề xuất phát triển chiến lược 2 cánh để xây dựng đô thị thông minh: Đó là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Hiện chúng ta chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, mà đang ở tình trạng ngành nào biết riêng ngành ấy. Muốn có đô thị thông minh thì tất cả các thông tin phải được lưu và xác định trên một hệ thống... Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch thông minh (một khái niệm mới, chưa phổ biến trong lĩnh vực quy hoạch của Việt Nam, hiện nay quy hoạch nói chung dường như chưa hướng đến đô thị thông minh, quy trình của quy hoạch cũng chưa bắt buộc phải nói đến quy hoạch thông minh trong tương lai), trong quy hoạch đó phải có những yếu tố công nghệ thông tin hướng đến đô thị thông minh. Công nghệ để lập quy hoạch đó cũng phải thông minh, tức là không chỉ xây dựng thủ công nữa, mà phải hướng đến ứng dụng công nghệ, điều khiển ánh sáng thế nào, điều khiển hệ thống nước thế nào... Việc giám sát tiêu chí phát triển bền vững (cách hiểu theo kênh của phát triển đô thị bền vững) cũng phải xác định xem có bao nhiêu tiêu chí, xác lập khái niệm đô thị thông minh và hệ thống tiêu chí đi theo đô thị thông minh đó gồm những gì?

Cánh thứ hai, là quản lý ngành thông minh, công dân thông minh và doanh nghiệp thông minh. Tức là xem xét các yếu này trên nền tảng công nghệ thông tin, và điều khiển các hoạt động đều bằng công nghệ thông tin. Trong điều kiện đó, các doanh nghiệp hoạt động không chỉ điều khiển theo cách thông thường hiện nay, mà phải có hệ thống thông tin hiện đại để điều khiển hoạt động của doanh nghiệp mình theo hướng đô thị thông minh. Tất nhiên doanh nghiệp cũng chỉ là một phần của đô thị thông minh. Và muốn có đô thị thông minh thì phải có con người thông minh, muốn có con người thông minh thì phải bắt đầu từ giáo dục đào tạo. Do đó ngành giáo dục đào tạo phải hiểu câu chuyện thế nào là “thông minh” để định hướng đào tạo cho phù hợp, đào tạo công nghệ hướng đến thông minh, các thế hệ được đào tạo sau này sẽ có các kiến thức, kỹ năng để có thể vận hành được doanh nghiệp, chính quyền và các công việc một cách thông minh...

Trong bối cảnh nói trên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh đến 4 giải pháp nền tảng của đô thị thông minh. Đó là: chính quyền muốn hoạch định tương lai thì phải dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững; chính quyền hỗ trợ quyết định tối ưu của 4 chủ thể là công dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước và tổ chức xã hội; phải coi không gian mạng như một không gian sống bắt buộc của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, xã hội trong giao dịch; đồng thời cần tham gia vào việc đánh giá sự hài lòng của người dân.

Tuy nhiên, theo TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, có một thực trạng, công nghệ càng hiện đại thì mức độ rủi ro, cụ thể là rủi ro về an toàn thông tin cũng càng lớn. Thực tế một số hiện tượng mất an toàn thông tin trong hệ thống ngân hàng, thông tin truyền thông và một số lĩnh vực khác trong thời gian gần đây là những minh chứng rõ ràng nhất. Do vậy, đi cùng với việc xây dựng, thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, thì việc kiểm soát hệ thống này cũng là việc cần tính đến trong định hướng xây dựng đô thị thông minh.

Các đại biểu dự buổi làm việc của UBTƯ MTTQ Việt Nam với Thành ủy Hải Phòng về xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: Hoàng Anh

Một thách thức khác là hiện nay chúng ta đang thiếu Luật Đô thị để thống nhất quan điểm và có những định hưóng cụ thể cho vấn đề xây dựng đô thị thông minh. Hiện chỉ có vấn đề đô thị tăng trưởng xanh là có một số văn bản quy định, quản lý. Nhưng tăng trưởng xanh khác gì so với đô thị thông minh là điều còn cần phải nghiên cứu thêm.