Chuyện xưa, chuyện nay và thông điệp tìm hiền tài

Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, nhiều băn khoăn của những người trí thức tài năng có khát vọng cống hiến cho đất nước hy vọng sẽ được hoá giải để đi đến thành công.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Tại lễ ra mắt Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Cũng tại buổi lễ này, một thông điệp quan trọng của Đảng và Nhà nước đã được phát đi. Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ quan điểm và lưu ý đến việc chú trọng tạo môi trường làm việc, nghiên cứu khoa học thuận lợi để cán bộ KHCN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng; tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học…

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt 100 đại biểu người Việt Nam tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về dự Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trước đó 2 tuần, tại cuộc gặp mặt ở ngày đầu tiên của Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo với sự hiện diện của 100 nhà khoa học trẻ từ nước ngoài trở về, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá rất cao những đóng góp của giới trí thức ở hải ngoại đối với đất nước và coi đó như một tài nguyên vô cùng quý báu.

Nhắc tới tên tuổi nhiều nhà khoa học tài năng từng một thời du học ở nước ngoài, đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở về tận hiến cả cuộc đời cho đất nước, như thế hệ các giáo sư Trần Đại Nghĩa, nhà bác học Lương Định Của, bác sĩ Đặng Văn Ngữ…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ rằng, lịch sử cho thấy, đất nước chỉ hưng thịnh khi khơi dậy được lòng yêu nước, quy tụ được người tài đức, dốc lòng vì nước, dám xả thân vì nghĩa lớn. Đất nước không có người hiền tài thì không thể hưng thịnh...

Tôi hiểu đó là một thứ tài sản vô giá mà giới trí thức cha ông chúng ta đã cống hiến khi Tổ quốc đang dốc sức chống giặc ngoại xâm.

Từ chuyện hôm nay, nhắc chuyện hơn nửa thế kỷ trước…

Bởi, nói cho thật chân tình, thì cũng có những trí thức rất tài năng đã trở về với mong muốn được đóng góp hết lòng cho Tổ quốc, nhưng lại chưa như ý muốn của chúng ta cũng như bản thân họ. Nguyên do là bởi có những quan điểm họ đưa ra lúc ấy chưa phù hợp này khác (chủ yếu ở lĩnh vực khoa học xã hội) rồi bị quy chụp tư tưởng khá nặng nề.

Ví dụ điển hình nhất có lẽ là Giáo sư Trần Đức Thảo. Ông là một triết gia đích thực với sức ảnh hưởng mang tầm thế giới, được giới khoa học xã hội các nước, dù ở hệ tư tưởng nào, cũng đều đặc biệt kính nể.

“Trong số những trí thức Tây học yêu nước về với kháng chiến, triết gia Trần Đức Thảo thuộc trường hợp “của để dành”, vì “khó phân công công tác” (PGS Phạm Thành Hưng viết tham luận nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Giáo sư Trần Đức Thảo).

Vẫn theo PGS Phạm Thành Hưng, kỹ sư Trần Đại Nghĩa được Hồ Chủ tịch giao chế tạo súng ống là đúng sở nguyện, sở trường nhất. Thạc sỹ Vật lý‎ hạt nhân Ngụy Như Kon Tum không có phòng thí nghiệm, tạm đi làm quản lý‎ giáo dục. Riêng với ông Trần Đức Thảo, Hồ Chủ tịch bình luận vui: “Chú Thảo không có đất cắm dùi”. Trần Đức Thảo vui vẻ đi làm thư ký‎ cho Tổng Bí thư.

Giáo sư Trần Văn Giàu cũng phải thừa nhận đồng nghiệp mình - Giáo sư Trần Đức Thảo mới là triết gia duy nhất của Việt Nam. Còn ông và nhiều nhà khoa học khác chỉ là các nhà nghiên cứu và giảng dạy triết học...

Tuy nhiên, trong thời kỳ Nhân văn giai phẩm 1956-1957, ông Trần Đức Thảo có viết bài bày tỏ quan điểm, ủng hộ tự do tư tưởng và dân chủ nên bị quy quan điểm, không được làm lãnh đạo trong trường đại học, không được giảng dạy mà chỉ dịch thuật thuần tuý. Cuộc đời ông kể từ đó cũng xảy ra nhiều bi kịch cay đắng. Ông sống trong cơ cực không chỉ vì vật chất thiếu thốn, có lúc phải bán cả từ điển - thứ không thể thiếu cho người dịch thuật như ông để trang trải thêm cho cuộc sống. Nhưng cả tinh thần cũng bị khủng hoảng. Đau xót nhất còn ở chỗ bị nhiều người vốn rất thân yêu của mình, học trò cưng của mình do sợ liên luỵ mà cũng xa lánh ông.

 

Lễ ra mắt và tọa đàm giới thiệu sách “Hành trình của Trần Đức Thảo - Hiện tượng học và chuyển giao văn hóa” tại TP.HCM nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư - triết gia Trần Đức Thảo.

Tôi nghĩ, đây cũng là một trong những điểm yếu của chúng ta một thời đã qua nhìn ở giác độ khoa học: Không muốn nghe giới trí thức, nhân sĩ, nghệ sĩ phản biện. Những gì “nghịch nhĩ” là rất dễ không hài lòng, là bị đả phá, quy chụp nặng nề.  

Tuy nhiên, vào những năm cuối đời, Giáo sư Trần Đức Thảo đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000, được đưa trở lại Pháp để ông có điều kiện tiếp cận nền khoa học hiện đại của thế giới mà nghiên cứu, viết lách, cũng là cách để giúp ông chữa bệnh. 

Giáo sư Trần Đức Thảo mất đi, Đảng và Nhà nước đã đưa hài cốt ông trở về nước và long trọng tổ chức lễ truy điệu rất chu đáo, đúng với nghi lễ của một quan chức cấp cao. Qua đó thể hiện sự trân trọng với một nhân sĩ trí thức tài năng tầm cỡ thế giới nhưng có lúc chưa được nhìn nhận công tâm do tầm suy nghĩ, ý thức hệ tư tưởng ở một trí thức Tây học như ông cởi mở quá sớm.

Tôi nhắc lại chuyện cũ này để thấy một điều, chúng ta trong quá khứ cũng từng có những giai đoạn tả khuynh, cực đoan, áp đặt, không muốn nghe phản biện của người làm khoa học nghiêm túc, chỉ thích tung hô đến mức giáo điều để rồi trong một thời gian dài, khoa học xã hội nước nhà vì thế mà chậm chuyển biến so với thế giới.

Rất may là trong số các trí thức trở về nước phục vụ kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa, hầu hết họ đều là những người tài và đã thành công, mang lại hiệu quả rất cao nếu nhìn dưới góc độ chiêu mộ hiền tài...

Nói chuyện nửa thế kỷ trước, lại nhớ chuyện ngày xửa ngày xưa...

Trong lịch sử dân tộc ta, các triều đại phong kiến thường có một chức quan gọi là Gián nghị đại phu. Vị quan này thường làm chức năng “nói ngược” lại  chuyện vua đang bàn tính, nôm na là để phản biện lại điều vua sẽ quyết để tìm ra một quyết sách đúng nhất, kín kẽ nhất.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ  Sử học Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thì Lý Thái Tông là vị vua đầu tiên của Việt Nam đặt ra chức quan Gián nghị đại phu. Sang thời Trần, thời Lê, chức quan này vẫn được duy trì và từng có các vị Gián quan rất nổi tiếng như Trần Thì Kiến (đời Trần), Nguyễn Trãi (đời Lê)...

Trở lại với chuyện hôm nay…

Tôi rất mừng với Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo - diễn đàn thu hút và kết nối các tri thức khoa học trong và ngoài nước tổ chức mới đây, và trân trọng khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu, bày tỏ quan điểm của Đảng, Nhà nước hôm nay. Thực chất, việc tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học… cũng chỉ là những điều rất bình thường chứ không phải là chuyện gì quá cao siêu, ghê gớm. Nhưng dù sao thì cũng là cả một quá trình. Một nền khoa học văn minh và phát triển, chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt trong tư duy của mỗi con người.

Các trí thức tài năng trở về đâu phải vì mưu cầu hưởng thụ vật chất cho mình, vì họ hiểu hơn ai hết, nước nhà còn nghèo và lạc hậu. Song, điều mà họ có thể còn băn khoăn lại là chuyện khác, ngại về mà chưa có cơ sở vật chất phù hợp cho công việc nghiên cứu, ngại vì cơ chế chính sách của trong nước e khó làm tốt được... Đó mới là những rào cản mà họ quan ngại. Song chúng ta có thể hy vọng, trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, nhiều băn khoăn của những người trí thức tài năng có khát vọng cống hiến cho đất nước sẽ được hoá giải để đi đến thành công. Chỉ cần cả hai có cùng mục tiêu cao cả: Xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.