Chương trình hành động của Chính phủ về công tác dân số

Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về công tác dân số trong tình hình mới nhấn mạnh: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển”. Chính phủ đã ra Nghị quyết số 137/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020”.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Ảnh minh họa.

Chương trình hành động của Chính phủ về công tác dân số

Mục tiêu của Chương trình nhằm xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác dân số trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác dân số thời gian qua, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu, phấn đấu các chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững...

Chương trình đã đề ra 7 giải pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số; tăng cường hợp tác quốc tế.

Sửa đổi quy định về xử lý vi phạm dân số

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với thực trạng mức sinh của từng vùng, đối tượng theo hướng sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp, duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hướng dẫn đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố phù hợp với các quy định của pháp luật; rà soát, kiến nghị điều chỉnh hoặc bãi bỏ các quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tầm soát, chuẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 nhằm phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; dịch vụ tầm soát, chuẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh và hỗ trợ sinh sản...

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ y - sinh học, công nghệ thông tin trong triển khai và quản lý dịch vụ dân số.

Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020”.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, giữa Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế (ba cơ quan thường trực) cùng với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam (ba cơ quan truyền thông) đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.

Cụ thể, công tác tổ chức sản xuất được đổi mới, số lượng thông tin tăng trung bình từ 10 - 15% so với trước khi thực hiện Chương trình phối hợp. Ba cơ quan truyền thông đã chủ động tìm tòi và thực hiện các đề tài, với góc tiếp cận mới, lối thể hiện linh hoạt, sâu sắc, nhiều thông tin được phát trong khung giờ có nhiều người theo dõi và nhận được sự quan tâm của công chúng. Ba cơ quan thường trực đã thường xuyên cung cấp thông tin các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm ở Trung ương và địa phương; xây dựng kế hoạch phối hợp truyền thông, tổ chức triển lãm, sơ kết quý, năm; phối hợp tập huấn chuyên đề và thực tế cơ sở cho phóng viên...

Tuy nhiên, công tác phối hợp truyền thông vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Thông tin chưa thường xuyên liên tục; hình thức truyền thông chưa phong phú, đa dạng; nội dung thông tin chưa sâu; thời điểm truyền thông trong khung giờ có nhiều người theo dõi còn ít; chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời và toàn diện các mô hình tốt, điển hình tiên tiến; số lượng đối tượng đích và nguy cơ cao về tệ nạn xã hội, lây nhiễm HIV/AIDS được tiếp nhận thông tin còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan; kiến thức, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn truyền thông về phòng chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS của cán bộ, phóng viên còn thiếu; đặc biệt là không đủ kinh phí để xây dựng, triển khai các chương trình, tác phẩm truyền thông đa dạng, sâu sắc đáp ứng yêu cầu thay đổi nhận thức, hành vi của các đối tượng thụ hưởng khác nhau.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình 3598/CTrPHTT, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức của nhân dân, góp phần từng bước đẩy lùi HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm ở nước ta, việc ban hành và triển khai Đề án “Phối hợp truyền thông phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020” là cần thiết.

Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông

Một trong các nhiệm cụ của Đề án là đổi mới nội dung và đa dạng hóa hình thức truyền thông, trong đó, về nội dung, đổi mới và truyền tải một cách sâu sắc, sinh động, phù hợp các nội dung thông tin: Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các giải pháp, biện pháp; hoạt động của Ủy ban quốc gia, các Bộ ngành, địa phương; các kiến thức cơ bản; nguy cơ, tác hại, hậu quả lây nhiễm HIV/AIDS, sử dụng, nghiện ma túy và các chất hướng thần; dịch vụ chăm sóc, điều trị, cai nghiện, chữa trị và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện, người bán dâm.

Bên cạnh đó, thông tin về các mô hình, điển hình trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, mại dâm và hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người bán dâm từ bỏ hành vi vi phạm pháp luật, tạo việc làm, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; giải pháp, kinh nghiệm, các tiến bộ khoa học và công nghệ của các nước trên thế giới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; tác hại của ma túy tổng hợp, các loại ma túy, chất hướng thần, tiền chất ma túy mới; phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm buôn bán ma túy; các biện pháp, kỹ năng phòng ngừa để không bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy, tổ chức mại dâm, mua bán người và kỹ năng ứng phó với người nghiện, người sử dụng ma túy; nâng cao nhận thức, giảm kì thị, phân biệt và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và người bán dâm; vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.

Về hình thức, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, thể loại truyền thông. Nâng cao chất lượng tin, bài, phóng sự, đồng thời, tập trung xây dựng chuyên trang, chuyên mục, video clip, thông điệp truyền hình, phóng sự dài kỳ, phim truyền hình; tổ chức các cuộc thi phóng sự, video clip, phim tài liệu về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; sử dụng nhiều ngôn ngữ trong các ấn phẩm truyền thông.

Tăng cường thời lượng truyền thông

Nhiệm vụ khác của Đề án là tăng cường thời lượng truyền thông. Cụ thể, tăng thời lượng truyền thông phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong các chương trình truyền hình, phát thanh, các ấn phẩm của ba cơ quan truyền thông. Căn cứ yêu cầu và tình hình thực tế, thường xuyên bố trí truyền thông vào các khung giờ nhiều người xem như Thời sự, Chào buổi sáng, Chuyển động 24h và hệ thống ứng dụng xem truyền hình và đọc tin tức trên di động.

Nâng cao năng lực cho phóng viên, biên tập viên, trong đó, mỗi năm ít nhất 1 lần, ba cơ quan thường trực tổ chức tập huấn, phổ biến cho phóng viên, biên tập viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về HIV/AIDS, ma túy, mại dâm của ba cơ quan truyền thông về quan điểm, định hướng và kiến thức mới trong lĩnh vực này; ba cơ quan thường trực mời các phóng viên của ba cơ quan truyền thông tham dự các hội nghị, hội thảo liên quan đến kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; hàng năm, các cơ quan thường trực tổ chức các đoàn phóng viên của ba cơ quan truyền thông đi thực tế tại các địa bàn trọng điểm về ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; tiếp cận, tìm hiểu các đối tượng đích, các địa bàn làm tốt công tác này.

Ngoài ra, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin: Các đơn vị cử cán bộ đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin; định kỳ 6 tháng họp đánh giá kết quả hoạt động, trao đổi, thống nhất kế hoạch hoạt động tiếp theo. Tổ chức họp đột xuất theo yêu cầu thực tiễn và yêu cầu của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia; quý IV hàng năm, ba cơ quan thường trực gửi cho ba cơ quan truyền thông nội dung và đề xuất kế hoạch phối hợp để ba cơ quan truyền thông đưa vào kế hoạch của đơn vị trong năm tiếp theo; trước các các sự kiện có quy mô quốc gia hoặc có tính chất quan trọng, ba cơ quan thường trực làm việc trực tiếp với ba cơ quan truyền thông về những nội dung cần truyền thông, đặc biệt là những thông tin mang tính định hướng dư luận; các vấn đề lớn trong từng thời điểm; tích cực trao đổi, cung cấp các thông tin, sản phẩm truyền thông để phục vụ cho việc tuyên truyền trên các phương tiện, ấn phẩm truyền thông của các bên và sử dụng cho các cơ quan thường trực phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tại địa phương.