Chính phủ điện tử và sự tham gia của người dân ở Việt Nam hiện nay

(Mặt trận) - Cùng với xu thế toàn cầu hóa, việc các thiết bị thông tin có kết nối thay thế vị trí của con người đã tạo nên những xu hướng cải cách trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Xây dựng Chính phủ điện tử là tạo ra phong cách lãnh đạo mới, nâng cao năng lực quản lý, điều hành đất nước và cung ứng dịch vụ công cho người dân. Đặc biệt, Chính phủ điện tử cho phép người dân tương tác với Chính phủ, tạo nên một hệ thống phản biện đa chiều và tăng tính công khai, minh bạch thông tin, góp phần cải thiện mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan nhà nước, giữa Chính phủ với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò và hiệu quả của ứng dụng Chính phủ điện tử trong hoạt động quản lý hành chính nói chung và cải thiện mối quan hệ giữa các cấp Chính phủ, Chính phủ với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nói riêng. Cùng với các văn bản pháp luật do Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hiện thực hóa các chủ trương, quyết tâm chính trị của Đảng về cải cách hành chính, thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, giảm thiểu các chi phí, đồng thời tạo môi trường bình đẳng, công khai, minh bạch trong việc tiếp cận thông tin của người dân. Tuy nhiên, thực tế xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam hiện nay mới chỉ bước qua giai đoạn 1 (sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông mở rộng, tương tác một chiều từ Chính phủ đến người dân), đang triển khai đồng thời các nhiệm vụ ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3 (tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động của cơ quan Nhà nước và hoàn thiện sự tương tác toàn diện giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp). Vì vậy, việc tìm hiểu về đặc trưng cơ bản, những lợi ích và thách thức từ Chính phủ điện tử, để từ đó nâng cao hơn nữa ý thức tham gia của người dân trong phản biện chính sách.

Mặc dù có các quan niệm khác nhau về Chính phủ điện tử, nhưng có thể hiểu: "Chính phủ Điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào trong các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, Chính phủ điện tử không đơn thuần là máy tính, mạng internet mà sự đổi mới toàn diện các quan hệ (đặc biệt là quan hệ giữa chính quyền và công dân), các nguồn lực, các quy trình, phương thức hoạt động và bản thân nội dung các hoạt động của chính quyền trung ương và địa phương nhằm cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước"1.

Chính phủ điện tử và sự tham gia của người dân Việt Nam

Thực trạng tham gia phản biện xã hội của người dân Việt Nam

Sự tham gia của người dân thông qua phản biện và giám sát xã hội mang tính xã hội sâu sắc, thực chất là thực hiện quyền lực chính trị, phát huy dân chủ về quyền làm chủ của nhân dân, nêu cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, góp ý kiến với cán bộ, công chức và các cơ quan Nhà nước. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều phục vụ lợi ích của nhân dân vì nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhân dân rất nhạy cảm trong việc phát hiện các chủ trương, chính sách đúng hoặc sai cần bổ sung, điều chỉnh, phát triển. Phản biện xã hội trở thành nhu cầu thiết yếu và đòi hỏi tất yếu của quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước hợp quy luật, hợp lòng dân, khắc phục tệ quan liêu trong xã hội.

Giám sát và phản biện xã hội không chỉ thu hút các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, mà còn khích lệ đông đảo nhân dân đóng góp ý kiến về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, hình thức, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế, môi trường, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị,... Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện,… Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền".

Để nâng cao hơn nữa một trong ba thành tố cơ bản của Chính phủ điện tử (là sự tương tác của người dân), Đảng và Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành các chính sách pháp luật hỗ trợ cho hoạt động của Chính phủ điện tử. Một trong số đó là Luật Giao dịch điện tử, nền tảng cho tất cả các giao dịch điện tử trong khu vực tư nhân và nhà nước. Từ tháng 1/2006, Thủ tướng Chính phủ đã khai trương trang web của Chính phủ và kênh thông tin dành cho Chính phủ (www.vietnam.gov.vn và www.chinhphu.vn) và Chương trình Cải cách hành chính là những tiền đề để Chính phủ điện tử gần với người dân hơn. Đặc biệt, qua 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ về việc ban hành Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TƯ ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng và chính quyền, của Bộ Chính trị (khóa XII) đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao ý thức phản biện chính sách phản biện của người dân. 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức được 6.404 cuộc, cấp xã đã tổ chức được 49.564 cuộc giám sát2.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là khảo sát xã hội học lớn nhất Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Từ năm 2009 đến 2016, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của gần 88.962 người dân cả nước. Chỉ số PAPI đo lường sáu chỉ số nội dung: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; sự công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.

Theo đó, chỉ số nội dung "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở" đo lường tri thức công dân về quyền tham gia, cơ hội tham gia của người dân, chất lượng bầu cử trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố và tham gia đóng góp tự nguyện cho các công trình công cộng ở địa bàn cơ sở năm 2016 trên toàn quốc được đánh giá ở mức trung bình. So với cuộc bầu cử Quốc hội (khóa XIII), tỉ lệ người dân trực tiếp đi bầu Đại biểu Quốc hội khóa XIV tăng 2% so với kết quả khảo sát năm 2011. Tỉ lệ người dân tham gia vào quá trình ra quyết định xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa bàn cơ sở cũng tăng nhẹ so với 5 năm trước. Tuy nhiên, điểm nội dung thành phần về "tri thức công dân về bầu cử" và "cơ hội tham gia bầu cử" thấp hơn so với kết quả năm 20113.

Chỉ số "Công khai, minh bạch" đo lường kết quả của chính quyền các cấp trong việc công khai hóa, minh bạch hóa thông tin nhằm đáp ứng "quyền được biết" của người dân về những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đời sống nhân dân. Chỉ số này gồm 3 thành phần: (1) công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; (2) công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; (3) công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất. Đây là ba lĩnh vực cụ thể phải được công khai, minh bạch theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Luật Đất đai (sửa đổi năm 2013) nhằm đảm bảo quyền "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Nhìn chung ở cấp tỉnh, hiệu quả công khai, minh bạch ở ba vấn đề PAPI đo lường có dấu hiệu được cải thiện trong năm 2016 so với năm 2015. Đặc biệt là sự cải thiện về mức độ công khai, minh bạch kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn khi quan sát điểm số của các tỉnh, thành phố theo vùng miền: trong số 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất có tới 14 địa phương tập trung ở phía Bắc và miền Trung. Các tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất tập trung nhiều ở phía Nam, trong đó 4 tỉnh đạt điểm thấp nhất là: Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu. Điều đó cho thấy mỗi địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo quyền được biết của người dân4.

Chỉ số nội dung "Trách nhiệm giải trình với người dân" bao gồm: (1) mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương; (2) tính tích cực của chính quyền địa phương trong việc đáp ứng kiến nghị của công dân, (3) hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân. Tổng quan kết quả cho thấy, hiệu quả thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền địa phương (nội dung thành phần này đo lường mức độ hiệu quả trong việc giải trình, tiếp xúc và tương tác với người dân của cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền địa phương theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2014 và các quy định hiện hành có liên quan) chưa cao. Cần Thơ được đánh giá cao nhất trong năm 2016; Hà Giang đạt điểm thấp nhất. Về tính tích cực của chính quyền địa phương trong việc giải quyết yêu cầu, khiếu nại, tố cáo từ người dân, Quảng Ngãi đạt điểm cao nhất và Khánh Hòa đạt điểm thấp nhất. Về hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân, Hải Dương đạt điểm cao nhất, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh đạt điểm thấp nhất5.

Từ những số liệu trên, có thể thấy ý thức tham gia phản biện xã hội của người dân Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước của khu vực công và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần phát huy hơn nữa sự tham gia của người dân. Đây là một trong những thách thức vô cùng lớn đối với Chính phủ Việt Nam khi xây dựng Chính phủ điện tử, bởi tri thức khoa học có thể học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia đã triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, nhưng việc nâng cao ý thức của con người thì không phải dễ dàng thay đổi và học tập khoa học công nghệ nhưng việc nâng cao ý thức của con người thì không dễ dàng thay đổi và không phải trong "một sớm, một chiều". Hơn nữa, dù có đầu tư bao nhiêu tiền vốn và học tập khoa học công nghệ, nhưng con người vẫn là yếu tố then chốt để áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Chính phủ điện tử dù có hiện đại đến đâu, mang lại nhiều lợi ích như thế nào, nhưng nếu không có sự tham gia vào cuộc của người dân thì cũng không thể phát huy tối đa giá trị của nó.

Những thách thức trong việc nâng cao ý thức của người dân vào chương trình xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam

Sự hiểu biết về tin học và cơ hội tiếp cận internet của người dân còn thấp:

Mặc dù hiện tại Việt Nam có gần 50 triệu người sử dụng internet, đạt tỉ lệ trên 53% dân số, cao hơn mức trung bình thế giới là 46,64%, nhưng hiểu biết về tin học và cơ hội tiếp cận internet của người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế. Do vậy, một bộ phận dân cư này có xu hướng sợ và ngại dùng dịch vụ công điện tử. Xây dựng các điểm truy cập internet miễn phí tại các vùng dân cư, đặc biệt là các vùng hẻo lánh là yêu cầu bức thiết để người dân, đặc biệt là giới trẻ tiếp cận với internet và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Trình độ, hiểu biết về công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, ảnh hưởng đến sự tham gia của người dân và doanh nghiệp:

Theo Sách Trắng năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ máy tính trên tổng số cán bộ, công chức tại cơ quan cấp Bộ đạt hơn 87,94% và tại các cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã có cổng/trang thông tin điện tử; 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ và đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin. Tỷ lệ hộ gia đình có máy tính cá nhân đạt 21,3%. Số máy tính cá nhân trên 100 hộ gia đình là 23 chiếc6. Tuy nhiên, trình độ tin học và sự hiểu biết về công nghệ thông tin của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế, dẫn đến tình trạng trình độ tin học vẫn chỉ ở mức xử lý văn bản văn phòng, vẫn còn tình trạng thụ động vào các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin (dù được trang bị thiết bị công nghệ cao). Vì vậy, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ công trực tiếp cấp độ 3 và 4 chưa đạt kết quả như mong muốn của người dân và doanh nghiệp.

Để các dịch vụ công điện tử hoạt động và vận hành tốt, cần có nhân lực xử lý các dịch vụ này, bao gồm các cán bộ, công chức tham gia xử lý hồ sơ điện tử, các chuyên viên quản trị mạng và nhân viên kỹ thuật. Thêm vào đó, để đảm bảo việc cung cấp đầy đủ thông tin về các dịch vụ công trực tuyến cần có các cán bộ biên tập nội dung số. Họ đảm nhiệm việc tiếp nhận, xử lý, biên tập, cập nhật thông tin và phối hợp xử lý dịch vụ công để đảm bảo hoạt động của cổng thông tin điện tử. Công chức, viên chức biên tập nội dung số và chuyên viên quản trị hàng năm cần được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực đảm nhiệm. Thêm vào đó, người dân tham gia dịch vụ công điện tử cũng cần phải có một số hiểu biết và kỹ năng về tin học hay công nghệ thông tin hoặc ít nhất là kỹ năng tìm kiếm thông tin bằng trình duyệt web. Ở các nước phát triển, khi trình độ dân trí cao, các kỹ năng truy cập và sử dụng các dịch vụ điện tử là phổ biến trong dân chúng, họ vẫn có các cơ sở dịch vụ công hướng dẫn qua điện thoại, hay giao tiếp trực tiếp để hỗ trợ những người khuyết tật hay bị bệnh không thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến 7.

Công tác tuyên truyền về lợi ích của phản biện xã hội đối với người dân còn hạn chế:

Tham gia tích cực và chủ động vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước là quyền hiến định của mọi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế sự tham gia của người dân Việt Nam vào các chính sách kinh tế, xã hội của đất nước còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu là vì họ nghĩ rằng sự tham gia của họ ít được ghi nhận và không thấy được những quyền lợi gì của mình trong đó, cũng như chưa nhận thức được hết trách nhiệm và nghĩa vụ cần tham gia của mình. Vì vậy, cần tuyên truyền về những lợi ích của đất nước và người dân khi tham gia phản biện chính sách. Tuy nhiên, cần lưu ý, vì phản biện xã hội mang tính xã hội sâu sắc, phản ánh quan điểm, quyền lợi của các lực lượng xã hội khác nhau, với trình độ nhận thức khác nhau ngay trong cùng một vấn đề, dễ dẫn đến ý kiến khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Vì vậy, cả chủ thể thực hiện phản biện xã hội (như Mặt trận Tổ quốc) lẫn đối tượng phản biện (như các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước) đều phải xuất phát từ mục đích và đối tượng được phục vụ, thụ hưởng là nhân dân để đạt tới sự thống nhất và đồng thuận, nhằm ổn định xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích của nhân dân. Mặt khác, khi nghe ý kiến nhân dân cần phải trân trọng cả các ý kiến chưa rõ, chưa đúng, thậm chí cả những ý kiến trái tai. Thực ra, nếu biết cách nghe và có thái độ nghe khoa học thì cũng có thể từ những ý kiến trái tai, chưa rõ, chưa đúng loại gợi mở cách suy nghĩ và tìm đến những ý đúng, logic, hợp chân lý.

Với sự gia tăng ngày càng nhanh của internet trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, sự phát triển của Chính phủ điện tử đã trở thành một phần quan trọng trong cải cách hành chính nhà nước của các quốc gia trên thế giới. Phát triển mô hình tổ chức Chính phủ điện tử về cơ bản là sự chuyển đổi chức năng của Chính phủ, nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường khả năng điều tiết của Chính phủ và dịch vụ công, nhằm thúc đẩy Chính phủ cơi mở và minh bạch hơn. Sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, tổ chức xã hội (bao gồm trực tiếp tham gia các loại hình dịch vụ công trực tuyến và tham gia vào phản biện xã hội) là những tác nhân quan trọng, nâng cao hơn nữa hiệu quả của Chính phủ điện tử, góp phần không nhỏ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa vị thế của đất nước lên cao trên trường quốc tế.

Chú thích:

1.  Michiel Backus: E- Govermence in Developing counties, IICD Research Brief no 1 Macr 2001.

2.  Hiện thực hóa hoạt động giám sát, phản biện xã hội, 2017.

3, 4, 5. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2016.

6.         Bộ Thông tin và Truyền thông: Sách Trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2017, Nxb. Thông tin và Truyền thông. 2017.

7. Hạ Thư Chương: Chính phủ điện tử và Chính phủ công khai.

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/hien-thuc-hoa-hoat-dong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-373214.html

Nguyễn Minh Phương* Nguyễn Thị Ngọc Mai**

 * Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

** Tiến sĩ, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.