Châu Thành: Tạo thêm nhiều cơ hội cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo

(Mặt trận) - Châu Thành là một huyện biên giới, thuần nông của tỉnh Tây Ninh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, hộ nghèo còn nhiều so với các huyện khác. Năm 2016, toàn huyện còn 2.324 hộ nghèo, trong đó có 651 hộ người già neo đơn, bệnh tật không có khả năng thoát nghèo. Nhưng với quyết tâm, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong huyện đã quan tâm chăm lo cho người nghèo hiệu quả.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Ông Võ Văn Tươi - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Châu Thành (bên phải) trao đổi với một hộ dân được hỗ trợ bò từ Đề án của Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Với cách làm đầy trách nhiệm, Mặt trận Tổ quốc huyện không "khoán trắng" việc xây nhà Đại đoàn kết cho các xã mà "mày mò" cải tiến về mẫu thiết kế và dự toán kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người nghèo hạng mục nhà 1 mái trong toàn huyện, sau đó thống nhất với UBND, MTTQ 15 xã, thị trấn cùng một nhà thầu thi công để có giá thành căn nhà vừa rẻ vừa đẹp. Chính việc nâng cấp và tăng các hạng mục công trình, nhưng giá thành không đổi, đã làm lợi cho người nghèo mỗi căn thêm khoảng 8 triệu đồng/căn (giá thành không đổi: 40 triệu đồng/căn), góp phần làm cho ngôi nhà đẹp hơn, khang trang hơn, chất lượng hơn. Năm 2017, huyện đã xây và bàn giao 153 căn nhà Đại đoàn kết, tiếp tục thực hiện đến cuối năm thêm 242 căn. Với số căn nhà được xây trên đã tiết kiệm đến hơn 3 tỷ đồng.

Bên cạnh việc quan tâm, sâu sát với công tác xây nhà cho người nghèo, Mặt trận các cấp trong huyện cũng tích cực tham gia thực hiện các chương trình giảm nghèo, phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Từ năm 2015 đến nay, Quỹ "Vì người nghèo" huyện hỗ trợ dự án “Ngân hàng bò” do Hội Chữ thập đỏ chủ trì 2 đợt, với số tiền 300.000.000 đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, huyện mua được 40 con bò sinh sản cho hộ nghèo (mỗi con 20.000.000 đồng), đến nay số bò đã tăng lên thành 55 con. Bà Nguyễn Thị Kiều Nương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện cho biết: Hiệu quả từ dự án bước đầu rất khả quan. Huyện mong rằng từ chương trình sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc huyện cũng triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ vốn cho hộ nghèo sản xuất, chăn nuôi theo Đề án của MTTQ tỉnh với tổng số tiền 300.000.000 đồng tại xã Thanh Điền (cho vay 15 hộ, mỗi hộ được vay 20.000.000 đồng không tính lãi), đề nghị MTTQ xã theo dõi thường xuyên việc sử dụng đồng vốn vay của các hộ sao cho đúng mục đích và đạt hiệu quả. Hiện đã thu hồi vốn được 13 hộ. Nhiều hộ chăn nuôi rất hiệu quả.

Buổi lễ trao bò cho hộ nghèo xã Trí Bình.

Trong năm 2017, thực hiện các chính sách giảm nghèo, tạo thêm cơ hội cho người nghèo trong cuộc sống, MTTQ huyện triển khai mô hình "Hỗ trợ các chính sách chăm lo cho người nghèo góp phần giảm nghèo, thoát nghèo trong đó có hộ nghèo người dân tộc Khơmer” và chọn xã biên giới thực hiện. MTTQ xã phối hợp với Ban giảm nghèo thực hiện rà soát phân loại đối tượng có khả năng thoát nghèo, đối tượng là hộ dân tộc, tìm hiểu nhu cầu để giúp họ tăng thu nhập tạo điều kiện để hộ nghèo cải thiện cuộc sống có công ăn việc làm ổn định cuộc sống để thoát nghèo bền vững; đã tổ chức hỗ trợ cho 38 hộ nghèo, cận nghèo mỗi hộ 80 con gà và 03 bao thức ăn, tổng kinh phí 206.883.000 đồng. Phối hợp với các thành viên giới thiệu việc làm cho 75 lao động, trong đó có 11 hộ nghèo.

Cơ hội cho người nghèo vươn lên thoát nghèo càng cao hơn khi Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai đề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản. Sau khi Dự án được duyệt và giải ngân, huyện Châu Thành được hỗ trợ 114 con. MTTQ huyện đã giao cho thành viên Ban quản lý dự án cấp xã tổ chức mua bò cho 82 hộ, còn 32 hộ tự mua nhưng phải đảm bảo cam kết như quy định.

Theo ông Võ Văn Tươi - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện: Ban quản lý dự án phối hợp với cơ quan thú y huyện tổ chức bấm tai khi bàn giao và làm lý lịch quản lý cá thể bò (bò của MTTQ huyện mang số ký hiệu huyện, tên chữ cái đầu của xã và số thứ tự từ 01 đến 114).

Ông Võ Văn Tươi cũng cho biết thêm: Người bán phải ký kết đảm bảo 05 điều kiện: Bò cao:từ 1m 2 trở lên; phối giống 3 lần không đạt, được quyền đổi lại con bò tương xứng; hỗ trợ tiền phối giống 300 nghìn/ 1 con bò; hỗ trợ tiền bấm tai bò và làm lý lịch cá thể cho bò; đảm bảo bò không bệnh trong 10 ngày (kể từ ngày mua).

Để việc chăn nuôi được đảm bảo, MTTQ phối hợp với Phòng Thú y huyện tổ chức hướng dẫn cách chăm sóc bò, tuyên truyền các chính sách phối giống bò cho các hộ được thụ hưởng ngay tại lễ bàn giao; Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh huyện phối hợp mở lớp tập huấn cách chăm sóc bò cho hội viên 1 lớp/ 84 hội viên dự; một số xã cũng phối hợp với các nghành có liên quan mở lớp tập huấn kỷ thuật chăn nuôi bò cho địa phương mình như: xã Hòa Hội, biên giới.

Trong tổng số 114 con bò được trao, đã phối giống 68 con, có 33 con bò đã chửa và 01 con đã sinh bê con. Hiện nay, bò đang phát triển tốt và có 02 con sinh bê con.

Những chương trình, dự án được Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai sẽ là động lực, cơ hội để người nghèo huyện Châu Thành vươn lên thoát nghèo.