Cao Bằng: Nâng cao hiệu quả hoạt động Ban công tác Mặt trận khu dân cư

(Mặt trận) -Ban công tác Mặt trận (CTMT) ở khu dân cư trên địa bàn huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng có vai trò trực tiếp vận động, tập hợp, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Trùng Khánh phối hợp với HĐND tỉnh tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri tại địa phương.

Trùng Khánh là huyện biên giới có 21 đơn vị hành chính gồm 19 xã, 2 thị trấn, trong đó 16 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 12 xã biên giới. Sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, huyện Trùng Khánh có 203 Ban CTMT ở khu dân cư với 1.000 thành viên. Mỗi Ban CTMT ở khu dân cư có nhiệm vụ rất quan trọng, mang yếu tố quyết định là tuyên truyền, vận động, tổ chức để nhân dân thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao. Tích cực phối hợp với trưởng xóm, tổ dân phố, các tổ chức hội, đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân; trực tiếp tham gia giải quyết những vướng mắc nảy sinh ở địa bàn dân cư; thu thập, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và nhân dân với cấp ủy, chính quyền và Ủy ban MTTQ cấp xã.

Động viên, hướng dẫn nhân dân giám sát hoạt động của đại biểu dân cử, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cư trú trên địa bàn khu dân cư. Phối hợp thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia hòa giải ở cộng đồng dân cư; thực hiện quy ước, hương ước của khu dân cư. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được phát động ở địa phương, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Đoàn kết sáng tạo”.

Tại Đại hội MTTQ huyện nhiệm kỳ 2019 - 2024, thống nhất cao thông qua Nghị quyết Đại hội “Phấn đấu bồi dưỡng nghiệp vụ cho 100% trưởng ban CTMT, góp phần từng bước nâng cao chất lượng hoạt động ban CTMT khu dân cư”. Để đạt được chỉ tiêu trên, MTTQ từ huyện đến cơ sở thực hiện một số giải pháp cụ thể và đạt được những kết quả quan trọng. Những năm gần đây, nhất là sau khi thực hiện việc sáp nhập xóm, MTTQ huyện thường xuyên đôn đốc MTTQ các xã, thị trấn kịp thời kiện toàn các ban CTMT và chức danh trưởng ban CTMT khu dân cư. Thành lập 203/203 ban CTMT xóm, các ban hội tụ được những người có tinh thần trách nhiệm cao, có năng lực, thực hiện công tác tuyên truyền hiệu quả. Từ năm 2019 đến nay, các ban CTMT tổ chức tuyên truyền hơn 40 cuộc với 2.000 lượt người tham gia; vận động nhiều hộ gia đình hiến 500 m2 đất, ủng hộ gần 100 ngày công lao động; có 70% trưởng ban được bồi dưỡng nghiệp vụ; thành viên Ban Mặt trận tham gia Tổ hòa giải, đã hòa giải thành 24 vụ việc, tham gia Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, phát huy hiệu quả vai trò giám sát.

Ban CTMT ở khu dân cư thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động chung gắn với các mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát huy tình đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng, như: “Khu dân cư hài hòa xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; “Khu dân cư sáng, xanh, sạch đẹp”, “Khu dân cư không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”…

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban CTMT ở khu dân cư, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến cấp thôn/tổ. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ thôn, tổ dân phố đối với hoạt động của ban CTMT. Thường xuyên kiện toàn ban CTMT ở khu dân cư, trong đó, chú trọng thành phần là người có uy tín tiêu biểu, người có thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi. Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã cần tăng cường công tác hướng dẫn hoạt động, thường xuyên tập huấn cho trưởng ban và các thành viên ban CTMT ở khu dân cư. Chú trọng xây dựng quy chế hoạt động, có sự phân công cụ thể cho các thành viên; chú trọng triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Phát huy vai trò tích cực của các tập thể, cá nhân điển hình, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo; động viên mỗi cá nhân, từng gia đình trong phong trào tự quản và tương thân, tương trợ giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Có chế độ đãi ngộ phù hợp thu hút các thành viên ban CTMT tham gia nhiệt tình, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực tế cho thấy, tại địa bàn huyện biên giới, trình độ dân trí không đồng đều, thiếu việc làm, phụ cấp chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều người đi lao động xa tại các tỉnh nên việc chọn, cử người tham gia các công việc xóm rất khó khăn. Cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với cán bộ Ban CTMT, tiếp tục đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong điều kiện mới, tạo điều kiện để phát huy và nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và nhân dân; tạo điều kiện cho Mặt trận chủ động làm tốt hơn vai trò trung tâm, là cầu nối vững chắc để đưa ý Đảng hòa quyện với lòng dân, đưa các phong trào thi đua, các hoạt động của Mặt trận đến với nhân dân.

T.H