Cán bộ trung thành với dân, với Đảng là phải biết giữ gìn các cam kết

Không chỉ cần năng lực mà cán bộ phải có đủ đạo đức để giữ gìn các cam kết mà họ đã đưa ra.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về công tác cán bộ một lần nữa khẳng định: cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt

Nêu quan điểm về vấn đề cán bộ nói chung và vấn đề cán bộ cấp chiến lược cho cả hệ thống chính trị nói riêng, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt - người sáng lập InvestConsult Group (công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh), nhấn mạnh, để điều khiển con người, tổ chức con người thì công tác cán bộ là vô cùng quan trọng, không phải chỉ có công tác cán bộ tốt thì công tác cách mạng tốt, mà mọi công tác ở mọi cấp độ khác nhau của đời sống đều tốt. Hay nói cách khác, chất lượng công việc của các tầng khác nhau của đời sống con người đều lệ thuộc vào công tác cán bộ. Phải khẳng định như thế chúng ta mới làm hấp dẫn vấn đề cán bộ. Nếu chỉ nói đến khía cạnh cách mạng không thôi, người ta có thể hiểu theo những ý nghĩa lớn lao, khiến yếu tố cán bộ xa rời công việc, làm cho khái niệm năng lực không còn rõ ràng.

Có năng lực và đạo đức để giữ gìn các cam kết

PV: Thưa ông, thực tế tồn tại lâu nay công tác cán bộ đã bộc lộ nhiều bất cập. Vấn đề này Đảng cũng nhận thức rất rõ và đã chỉ ra rất cụ thể. Ông có quan điểm như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Trong các tiêu chuẩn của công tác cán bộ, có hai yếu tố mà xã hội đã đúc kết đó là “hồng” và “chuyên”, bản chất đó chính là năng lực chuyên môn và tư cách đạo đức. Thực tế, tôi cho rằng, cả năng lực lẫn tư cách đạo đức trong một bộ phận cán bộ đều có vấn đề.

Trong đời sống hiện đại, bất kỳ con người nào cũng đều phải thể hiện tư cách đạo đức và năng lực của mình thông qua việc tuân thủ các cam kết dân sự mà mình đã tham gia. Con người hiện đại đầu tiên là phải biết tôn trọng các cam kết, biết cân nhắc trước mọi cam kết và có đủ nghị lực, tài năng để thực hiện các cam kết. Khi đã tham gia công tác cách mạng thì mọi cam kết là vô cùng quan trọng. Nói rộng ra trong đời sống thì mọi công việc đều cần những sự cam kết.

PV: Như ông nói, có thể hiểu, cán bộ của dân, những người được dân tin tưởng, lựa chọn để lãnh đạo đất nước cũng phải là những người biết tôn trọng, có đủ nghị lực, tài năng để thực hiện các cam kết?

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Đúng vậy, họ cũng phải có các năng lực đối thoại, năng lực thảo luận, năng lực cam kết và có đủ đạo đức để giữ gìn các cam kết mà họ đã đưa ra. Cán bộ nói chung và cán bộ cấp chiến lược nói riêng phải thỏa mãn điều ấy. Anh không nhìn thấy trước những rủi ro, khó khăn, anh không trung thành với các cam kết thì anh vừa thiếu trí tuệ khi thảo luận, vừa thiếu đạo đức khi cam kết và không có khả năng phục vụ bởi phục vụ trong xã hội hiện đại chính là thực hiện các cam kết.

Cán bộ nói chung, cán bộ cấp chiến lược nói riêng phải là người nhìn xa hơn thiên hạ, sâu hơn thiên hạ và nhìn rõ hơn thiên hạ một chút. Nếu anh không nhìn rõ hơn, sâu hơn và xa hơn thì không có được các cam kết có chất lượng và cũng không đủ năng lực để thực hiện các cam kết, như vậy thì không thể trung thành được. Sự trung thành hiện đại, trung thành với Đảng, chính là giữ gìn các cam kết. Quản lý nhà nước cũng như quản lý chính trị của Đảng chỉ có thể thực hiện tốt được khi họ quan hệ với những đối tượng có năng lực giữ gìn các cam kết.

Công tác cán bộ không phải là một khái niệm chung chung mà có những tiêu chuẩn và nguyên tắc của nó, trong đó quan trọng nhất là lựa chọn những người biết giữ gìn và tôn trọng các cam kết mà mình có đối với cuộc sống. Chính vì thế mà người ta mới đưa ra quy định đòi hỏi các thành viên nội các phải tuyên thệ. Tuyên thệ chính là thiêng liêng hóa các cam kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra đất nước, nhà nước của chúng ta, mở đầu sự nghiệp chính trị của mình với tư cách là Chủ tịch một nước cũng đã thề trung thành với nền độc lập dân tộc.

Phẩm chất phải là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với cán bộ

PV: Thưa ông, từ thực tế công tác cán bộ ở Việt Nam, theo ông giải pháp nào là căn cơ đối với vấn đề cán bộ hiện nay?

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Hội nghị Trung ương 7 khóa XII thảo luận về công tác cán bộ hay vấn đề tiền lương, cũng liên quan đến cán bộ, theo tôi là rất trúng. Việc đầu tiên là phải làm cho minh bạch khái niệm tiền lương trong hệ thống quản lý cán bộ. Tôi hoan nghênh Nghị quyết TW 7 về tiền lương có đề cập đến sự khác nhau giữa khu vực công và khu vực tư. Cần phải quan niệm tiền lương một cách cân đối như vậy giữa các khu vực khác nhau mới có một cái nhìn tổng thể về đời sống của cán bộ. Việc số một là phải nghĩ và có giải pháp thường xuyên về đời sống cán bộ. Tôi thấy Đảng ta đặt vấn đề tiền lương cán bộ thành một trọng tâm của đời sống chính trị, xem quản lý tiền lương là quản lý hiệu quả và hậu quả chính trị, đấy là nhận thức tốt. Đối với một đảng lãnh đạo thì nhận thức tốt đã chiếm đến 90% kết quả.

Bên cạnh vấn đề tiền lương cũng phải nghĩ đến việc kiểm soát hay theo dõi diễn biến đạo đức và tư tưởng. Một nhà nước chính trị phải xem phẩm chất chính trị của cán bộ như một yếu tố quan trọng hàng đầu. Làm cho minh bạch việc quản lý cán bộ, làm cho địa vị của cán bộ trong tổ chức và địa vị của tổ chức đối cán bộ minh bạch chính là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Tôi phân biệt rất rõ ràng những đổi mới trong những Nghị quyết gần đây so với các Nghị quyết cũ, phân biệt rõ những tiến bộ mới về ý chí của Đảng ta trong thời gian gần đây so với những ý chí trước kia. Đảng ta trong những ngày này đang chịu một áp lực rất lớn trước sự sốt ruột của xã hội đối với vấn nạn tham nhũng đang diễn ra trong đời sống chính trị. Sự sốt ruột của nhân dân, sự sốt ruột của lực lượng chính trị, sự sốt ruột của cán bộ đã được lắng nghe, được thể hiện bằng ý chí của Đảng.

Quản lý cán bộ về bản chất là theo sát tiến trình phát triển tâm lý và năng lực của cán bộ. Qua theo dõi báo chí, tôi thấy đảng bộ ở cấp huyện đã bắt đầu lập ra những mẫu khác nhau để thảo luận trong các chi bộ về phẩm chất đạo đức, tư cách cán bộ. Biến việc nâng cao phẩm chất đạo đức và tư cách cán bộ thành các tiêu chuẩn thẩm mỹ chính trị của các đảng bộ địa phương, của các cơ sở là một việc tốt. Việc chăm sóc và theo dõi diễn biến tinh thần tư tưởng và đạo đức của cán bộ phải là công việc hàng ngày của Đảng. Trước đây, các chi bộ kiểm điểm hàng quý, hàng năm, còn bây giờ Đảng ta đã bắt đầu xem đó là công việc hàng ngày.

Đảng ta muốn tồn tại thì phải chăm sóc, giữ gìn sự nghiêm túc của tinh thần, tư tưởng, đạo đức của các đảng viên của mình, phải chăm sóc đời sống vật chất của họ. Để cho cán bộ của mình lam lũ quá là lỗi lớn, không thể đổ cho hoàn cảnh.

 

PV: Theo ông, việc thực hiện tốt kiểm soát quyền lực có thể ngăn chặn được sự suy thoái của cán bộ?

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Các vấn đề thực ra rất đơn giản, nhưng muốn nắm bắt được thì phải đưa ra các định nghĩa minh bạch và phổ biến nó. Ví dụ khái niệm về quyền lực trong mỗi một giai đoạn lịch sử khác nhau đều có những biến đổi. Thời xưa, quyền lực vũ trang là quyền lực quan trọng. Chính vì có đội quân tốt cho nên Tần Thủy Hoàng mới thống trị được Trung Hoa. Giai đoạn sau này người ta xem tiền là quan trọng thì tiền bạc trở thành một thứ quyền lực. Quyền lực thể hiện như là một sự lai tạo của tất cả các năng lượng cơ bản của đời sống con người, do đó các hình thức của nó cũng khó kiểm soát giống như kiểm soát virus kháng thuốc.

Quyền lực và các lỗi chính trị phát sinh từ quyền lực luôn luôn là kết quả của nhiều sự lai tạo. Chính vì vậy, một Đảng cầm quyền phải có đủ trí tuệ để hiểu các trạng thái khác nhau của quyền lực và phải đưa ra các đối sách để quản lý những hình thái quyền lực khác nhau. Đảng ta cần có các “phép thuật” làm vô hiệu hóa tính bí hiểm của các tội ác chính trị, các quyền lực chính trị bất chính. Cần phải tố giác các hình thức mới của hệ thống quyền lực đen tối hàng ngày, bằng các công cụ, trong đó báo chí là một trong các công cụ quan trọng.

Bản chất của quản lý quyền lực là quản lý cả các yếu tố chính thống và yếu tố đen tối của quyền lực bằng nhà nước. Cái khó nhất và tinh tế nhất chính là quản lý sự nhập nhằng giữa các ranh giới đạo đức. Nhân danh lòng tốt, nhân danh sự tử tế, đôi khi chúng ta để lọt lưới những kẻ tham nhũng. Đối với những đối tượng đó không thể có sự dung dưỡng, không thể có những biện pháp nửa vời. Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư, mới đây trả lời phỏng vấn cũng có nói về sự cần thiết phải đi đến cùng trong việc chống tham nhũng. Đấy chính là một ví dụ về sự tiếp sức chính trị cho Đảng, để thấy rằng vẫn còn người nghĩ, vẫn còn người có đủ năng lực phát hiện ra các lai tạo đen tối của các hệ thống lợi ích.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV.VN