Cán bộ Mặt trận sâu sát với dân

(Mặt trận) -Nhiệt tình, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc là những điểm nổi bật ở bà Quách Thị Toan, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Bình Định: Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết tại thôn M10

TP.Thuận An (Bình Dương): Khu phố Bình Đức 1 tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Tuy An (Phú Yên): Hơn 800 triệu đồng ủng hộ Quỹ Vì người nghèo

 Bà Quách Thị Toan, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hàng Gòn tặng quà cho người dân khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn xã. Ảnh: NVCC

Suốt thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, với vai trò của mình, bà Toan đã luôn sâu sát, quan tâm nắm bắt đời sống của người dân. Từ đó, cùng với các cấp ủy, chính quyền xây dựng các mô hình, chương trình thiết thực, ý nghĩa chăm lo đời sống người dân và tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

* Lan tỏa bếp ăn yêu thương

Một trong những mô hình trên địa bàn xã được bà Toan đề xuất và tổ chức thực hiện hoạt động hiệu quả, có sức lan tỏa lớn cho đến nay là mô hình Bếp ăn yêu thương xã Hàng Gòn.

Bà Toan chia sẻ, ngay sau khi tỉnh quyết định áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bà đã đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mở bếp ăn để kịp thời chăm lo hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân khó khăn trên địa bàn xã. Trong tuần thực hiện, do nhân lực và kinh phí vận hành bếp vẫn còn hạn hẹp nên số suất ăn chưa được nhiều.

Để lan tỏa bếp ăn yêu thương, mỗi buổi tối, sau khi bếp ăn hoàn thành một ngày hoạt động của mình, bà Toan thường ở lại thêm 15-20 phút để sắp xếp lại công việc và đặc biệt là để chia sẻ công khai hình ảnh, thông tin về bếp ăn ngày hôm đó lên trang cá nhân của mình và các trang tuyên truyền khác của địa phương. Từ đó, ngày càng có nhiều người dân, mạnh thường quân biết đến ý nghĩa của bếp ăn và quan tâm, chung tay hỗ trợ.

“Có mớ rau, ký thịt, ký cá… người dân cũng chạy mang tới rồi tham gia phụ việc. Có người ở địa phương khác, thậm chí ở Hà Nội cũng liên hệ xin gửi tiền hỗ trợ cho bếp ăn. Nhiều người dân trước đây vốn làm nghề kinh doanh nước uống tình nguyện mang cả máy móc, dụng cụ lên bếp ăn để phục vụ  nước uống cho anh em… Mọi người đều rất vui và đồng lòng hỗ trợ vì thấy được ý nghĩa của bếp ăn yêu thương” - bà Toan cho hay.

Sự hỗ trợ, đóng góp của người dân dù ít dù nhiều, bà Toan đều trân trọng đọc phát trên loa phát thanh mỗi ngày. Bởi theo bà, khi công khai, minh bạch, rõ ràng, người dân, mạnh thường quân thấy được sự hỗ trợ của họ được sử dụng thiết thực, hiệu quả mới tin tưởng ủng hộ lâu dài. Nhờ đó, đến nay, số tiền mặt hỗ trợ cho bếp ăn  là 350 triệu đồng cùng với đó là hàng chục tấn gạo, thực phẩm… với tổng giá trị khoảng 1,4 tỷ đồng.

Cùng với đó, để bếp ăn hoạt động nề nếp, bà Toan phân công từng người phụ trách các khâu công việc rõ ràng như tổ sơ chế, tổ thành phẩm, tổ giao cơm, tổ đi chợ… Nhờ đó, công việc tại bếp ăn được điều phối nhịp nhàng, chuyên nghiệp.

Không chỉ nấu ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tham gia trực các chốt kiểm soát, nhân viên y tế, bếp ăn còn nấu thêm phần hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn như người già neo đơn, người bán vé số, trẻ em mồi côi… Mỗi ngày trung bình bếp ăn nấu khoảng 300 suất, có nhiều ngày tăng lên 500 suất.

* Sâu sát, kịp thời hỗ trợ người dân

Cùng với mô hình Bếp ăn yêu thương, ở vai trò của mình, bà Toan còn sâu sát, nỗ lực chăm lo, hỗ trợ người dân bằng nhiều hoạt động, việc làm thiết thực.

Theo đó, xác định tổ trưởng tổ nhân dân là những người sát dân, gần dân nhất, bà Toan thành lập nhóm Zalo với thành viên là 74 tổ trưởng tổ nhân dân. Bên cạnh đó, bà còn chú trọng nắm bắt, theo dõi các hội nhóm trên mạng xã hội có liên quan đến địa phương để nắm bắt kịp thời thông tin, phản ảnh của người dân. “Khi nắm được thông tin từ tổ trưởng tổ nhân dân hay trên mạng xã hội về trường hợp người dân khó khăn, chúng tôi sẽ liên hệ xác nhận ngay để hỗ trợ quà cho người dân” - bà Toan cho hay.

Mỗi khi thành phố hay các mạnh thường quân liên hệ hỗ trợ cho bà con xã nhà, không kể giờ giấc, sáng sớm, hay tối muộn, bà Toan đều chạy đến tận nơi để đưa về xã, chia ngay ra từng túi quà rồi cùng các cán bộ đoàn thể ở địa phương mang đến treo ở cổng của từng nhà cho bà con.

Trên địa bàn có nhiều công nhân lao động ở trọ, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, bà Toan còn tích cực vận động các chủ nhà trọ giảm giá tiền phòng hỗ trợ cho công nhân. Nhờ đó, đến nay hầu hết các chủ nhà trọ trên địa bàn xã đều giảm từ 50-100% tiền nhà trọ cho công nhân. Mặt khác, bà còn ghi lại danh sách những công nhân lao động có con nhỏ và thường xuyên hỗ trợ thêm sữa, bánh cho các em.

Xã Hàng Gòn cũng là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số với 250 hộ. Đây cũng là đối tượng được cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận xã rất quan tâm và chăm lo thường xuyên. Mới đây nhất, bà Toàn cùng Mặt trận xã thuê thợ cắt tóc đi vào tận vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc để cắt tóc miễn phí cho người dân có nhu cầu. Đồng thời, tổ chức trao tặng hơn 100 phần quà trung thu cho trẻ em.

Bà Quách Thị Toan cho hay: “Người dân trên địa bàn xã đều được quan tâm hỗ trợ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến nay, đã có khoảng 2,3 ngàn phần quà được trao cho người dân. Được quan tâm hỗ trợ kịp thời nên bà con rất an tâm, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Rất phấn khởi là đến nay trên địa bàn xã chưa có trường hợp nào là F0. Xã là “vùng xanh”, nhân dân rất tin tưởng”.

Thảo Lâm