(Mặt trận) - Tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu phấn đấu từ nay đến ngày 2/9/2025 sẽ hoàn thành xây mới và sửa chữa 3.995 căn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó, tỉnh thực hiện xây mới 3.253 căn, sửa chữa 742 căn, với tổng kinh phí 181,2 tỷ đồng.
|
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau tiếp nhận kinh phí 01 tỷ đồng của PV GAS hỗ trợ xây dựng nhà ‘‘Đại Đoàn kết’’ trong năm 2024. Ảnh: Kim Há - TTXVN |
Nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo
Nhằm đảm bảo nguồn lực cho thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Cà Mau tập trung huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Cụ thể là nguồn bố trí ngân sách tỉnh, nguồn vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, nguồn kinh phí hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn xã hội hóa từ việc vận động doanh nghiệp, nhân dân, hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhấn mạnh vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong công tác phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai chủ trương của Tỉnh ủy về đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn đến năm 2025; nhất là phát huy những cách làm linh hoạt, sáng tạo, mô hình hay, có hiệu quả để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Cùng với đó, tỉnh sẽ mở rộng hợp tác, kết nối với các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước để chia sẻ, hỗ trợ tỉnh giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công tác an sinh xã hội, sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Đây là hành động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào thi đua Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động ngày 13/4/2024.
Đề cập giải pháp chỉ đạo thời gian tới, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ về tiến độ thực hiện, chất lượng xây dựng nhà ở, không để xảy ra tình trạng thất thoát, tiêu cực, đảm bảo các hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở đạt chất lượng theo quy định sau khi được hỗ trợ. Đồng thời, UBND tỉnh giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai chủ trương của Tỉnh ủy theo tinh thần Chỉ thị số 22/CT/TU ngày 17/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 16/10/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, Sở tham mưu UBND tỉnh rà soát, cung cấp thông tin, số liệu hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở; kiểm tra, giám sát thực hiện Kế hoạch số 222 đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát huy tốt vai trò của Mặt trận trong việc phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan, ban, ngành liên quan tích cực vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; tiếp nhận, quản lý, đề xuất phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ chương trình đảm bảo kịp thời, hiệu quả; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, bàn giao nhà ở đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh phối hợp tuyên truyền, triển khai sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và mục tiêu của Chương trình, nhất là triển khai, quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng, để tạo sự đồng thuận cao và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Sức mạnh của cả hệ thống chính trị
Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, trong thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã có cách làm linh hoạt, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Cà Mau thời gian qua, ông Lê Thanh Triều, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh khẳng định: Sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương đã được phát huy tốt. Cấp ủy, chính quyền và Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, thể hiện trách nhiệm cao; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ người công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp cơ quan chức năng tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến liên hệ, gặp gỡ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để vận động nguồn kinh phí hỗ trợ đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh; vận động người thân, gia đình, dòng họ của các hộ nghèo hỗ trợ về vật chất, nguyên vật liệu, ngày công lao động để chung tay cùng chính quyền địa phương đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và chất lượng công trình, kịp thời bàn giao nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, hưởng ứng phong trào Dân vận khéo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đăng ký giúp đỡ 827 hộ (gồm 441 hộ nghèo, 277 hộ cận nghèo và 109 hộ đặc biệt khó khăn) đẩy mạnh lao động, sản xuất để thoát nghèo bền vững; đăng ký thực hiện mô hình 67 ấp, khóm và 10 xã, phường, thị trấn không còn hộ nghèo trong năm 2024. Kết quả đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh Cà Mau.
Ngay sau khi đăng ký, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và các tổ chức thành viên cùng cấp tuyên truyền, vận động những hộ này nâng cao nhận thức, ý nghĩa của công tác giảm nghèo, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, tự vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền, cây giống, con giống, hướng dẫn phương pháp trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, giới thiệu việc làm cho người lao động thuộc diện hộ nghèo..., nhằm giúp đỡ những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã vận động, hỗ trợ, xây dựng 764 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, đạt 153% so với mục tiêu đề ra là 500 căn. Kết quả này không chỉ lập thành tích chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029, mà còn góp phần rất quan trọng vào thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
TTXVN