Bước đột phá trong giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Khi mới tái lập tỉnh, một trong những khó khăn, thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội là tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, tỉnh ban hành nhiều chính sách quan trọng, huy động cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc. Nhờ sự chung tay, góp sức của cộng đồng, công cuộc giảm nghèo bền vững của tỉnh đạt nhiều kết quả đột phá.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Trong 25 năm qua, tỉnh phê duyệt nhiều chương trình, ban hành nhiều chính sách giảm nghèo gắn liền với các kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế, mục tiêu an sinh xã hội từng giai đoạn. Trong đó, nhiều giải pháp được tập trung thực hiện xuyên suốt như: Gắn công tác giảm nghèo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đa dạng các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo sinh kế cho người nghèo; giải quyết việc làm tại chỗ và xuất khẩu lao động; chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, chăm sóc y tế, giáo dục...

Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp được thành lập, kiện toàn kịp thời chỉ đạo các cấp, ngành hỗ trợ người nghèo thông qua các dự án, chương trình giảm nghèo lồng ghép trên các lĩnh vực bám sát điều kiện thực tế của tỉnh và địa phương. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh có từ 10 nghìn đến 12 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề, hàng nghìn lượt hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, mở rộng kinh doanh, tăng thu nhập. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm  bình quân mỗi năm cho gần 27 nghìn lao động. Bên cạnh đó, các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao còn được hỗ trợ tạo việc làm thông qua chính sách tín dụng ưu đãi, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, trang trại, hỗ trợ học nghề miễn phí cho lao động đặc thù, con em hộ nghèo…

Đặc biệt từ năm 2015, Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều. Theo đó, ngoài thu nhập bình quân, chuẩn nghèo được xác định theo 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin… Bám sát chương trình giảm nghèo của Trung ương, tỉnh ban hành thêm nhiều chính sách giảm nghèo đa dạng, nhiều chiều kết hợp với các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau tạo động lực để các địa phương phát triển kinh tế, có thêm nguồn lực để hỗ trợ công tác giảm nghèo. Trong đó, nhiều chính sách an sinh xã hội vượt trước so với chính sách của Trung ương như: Nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, người nghèo; nâng mức hưởng trợ cấp đối với đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ tín dụng để lao động nghèo tham gia xuất khẩu lao động; người nghèo, người cận nghèo được cấp miễn phí Bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn ở trong quá trình khám, chữa bệnh; 100% học sinh là con hộ nghèo đang học tại các cấp phổ thông trong tỉnh được miễn, giảm học phí....

Từ năm 2016 đến 2020, toàn tỉnh đã có 1.912 người nghèo gặp khó khăn về nhà ở được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà với tổng kinh phí gần 96 tỷ đồng;  hơn 10 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 75%; gần 5,5 nghìn hộ nghèo, hơn 6 nghìn hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất với tổng kinh phí gần 544 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã trích ngân sách hơn 121 tỷ đồng cấp miễn phí 73.155 thẻ BHYT cho người nghèo; 96.774 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, mới thoát nghèo. Đến nay, 100% người nghèo, cận nghèo được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế; hưởng chính sách ưu đãi về hỗ trợ giáo dục, nhà ở; hỗ trợ tiền điện, cấp đầu thu truyền hình số mặt đất và trợ giúp pháp lý...

Bên cạnh đó, tại các địa phương, hình thức giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ hội viên thông qua các hội, đoàn thể cũng đa dạng, phong phú như: Phong trào thi đua “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”,“xây dựng mái ấm tình thương” của hội LHPN các cấp; Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” được các cấp hội nông dân triển khai hiệu quả; Phong trào “Thanh niên làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế” của Đoàn Thanh niên… Chung tay cùng các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau” tạo được sức lan tỏa sâu rộng, trở thành nét đẹp văn hóa trong các tầng lớp nhân dân. Kết quả vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước.  Từ nguồn Quỹ vận động được đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hàng nghìn căn nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất, trong thiên tai, dịch bệnh…
Sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và hưởng ứng tích cực của người dân đã tạo ra bước đột phá trong công tác giảm nghèo. Đến năm 2021, tỉnh đã cơ bản xóa nhà tạm cho hộ nghèo; không còn hộ nghèo là người có công; 100% người nghèo, cận nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm. Cụ thể, nếu như năm 1997 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 10,35% thì theo kết quả rà soát mới nhất, cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,15%  theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025. Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về thực hiện chính sách giảm nghèo.

25 năm sau ngày tái lập, cùng với những đổi thay vượt bậc về kinh tế - văn hóa - xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện, nâng cao, với nhiều gia đình câu chuyện đói nghèo chỉ là quá khứ. Đây là minh chứng cho những chủ chương, quyết sách đúng đắn của tỉnh qua các giai đoạn, góp phần củng cố niềm tin, sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và là tiền đề để Bắc Ninh tiếp tục vươn lên với mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn liền với an sinh xã hội.

Hoài Phương