Bình Thuận: Giám sát và phản biện xã hội, những tồn tại cần thay đổi

(Mặt trận) -Trong 7 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tỉnh Bình Thuận đã thực hiện 2.877 cuộc giám sát đối với các tổ chức, cá nhân (cấp tỉnh 87 cuộc; cấp huyện 324 cuộc; cấp xã 2.466 cuộc) và thực hiện 93 hội nghị phản biện và kiến nghị 3.986 nội dung liên quan và được các cấp, các ngành xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Đó là kết quả giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị từ năm 2015 – 2021, mà thời gian qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nỗ lực cùng với các cấp thực hiện. Bà Phan Thị Vi Vân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến kiến nghị của cử tri và nắm tình hình dư luận xã hội cũng như những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã chủ động đề xuất và đăng ký nội dung giám sát với thường trực cấp ủy cùng cấp và được thường trực cấp ủy phê duyệt nội dung giám sát, phản biện xã hội hàng năm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, thuộc huyện theo từng cấp tỉnh, huyện và xã.

Trong đó, việc thành lập các Hội đồng tư vấn, xây dựng lực lượng cộng tác viên, chuyên gia giúp nghiên cứu chuyên sâu các nội dung giám sát, phản biện theo quy định cũng được quan tâm. Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập 2 Hội đồng tư vấn: Dân chủ - pháp luật và Dân tộc - Tôn giáo; 10/10 MTTQ các huyện, thị xã, thành phố đều thành lập Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Dân tộc Tôn giáo. Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh cùng với các tổ chức thành viên tham gia thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chú trọng tập trung công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; triển khai các hoạt động hướng mạnh về địa bàn dân cư, khắc phục tình trạng hành chính hóa, xa dân, hình thức...

Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hàng năm tham gia cùng các đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; giám sát công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thay thế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020; việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; giám sát công tác phòng, chống ma túy... Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội của 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã đăng ký và được cấp ủy cùng cấp phê duyệt 324 nội dung giám sát theo yêu cầu của cấp ủy. Trong đó có 40 nội dung giám sát người đứng đầu như: Giám sát Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện về các khoản thu tiền đầu năm học 2020 - 2021 tại các đơn vị trường học trên địa bàn của huyện. Đối với cấp xã, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và các đoàn thể chính trị – xã hội đã đăng ký và được cấp ủy cùng cấp phê duyệt 2.466 nội dung giám sát gồm các nội dung như: Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc bình xét hộ nghèo; việc giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân; việc thu phí, lệ phí; việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị; công tác chi trả tiền điện cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; công tác quản lý đất công...

Bà Phan Thị Vi Vân nhìn nhận: “Qua quá trình thực hiện thì một số đoàn thể chính trị - xã hội, MTTQ xã, thị trấn chưa xác định và xây dựng được nội dung giám sát; vẫn còn lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội; nhiều vấn đề nhân dân bức xúc nhưng chưa có cơ chế cụ thể để giám sát, thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết, trả lời những phát hiện, kiến nghị của Mặt trận. Thành viên đoàn giám sát có lúc chưa quan tâm nghiên cứu tài liệu, báo cáo, nội dung chuyên đề giám sát để góp ý đối với cơ quan, đơn vị được giám sát. Do đó, số lượng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức”.

Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo cấp kinh phí cho UBND cấp cơ sở để thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội cho MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội theo Thông tư số 337 của Bộ Tài chính và Nghị quyết 57 của HĐND tỉnh đã ban hành và tăng mức kinh phí cho cấp huyện và cấp tỉnh để đủ kinh phí thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội hàng năm. Thường xuyên tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, các đoàn thể để công tác giám sát và phản biện xã hội đạt chất lượng ngày càng cao hơn...

M.Q