Bí thư không là người địa phương: Sẽ ngăn chặn chạy chức, chạy quyền

Đại biểu Quốc hội cho rằng, đề xuất Bí thư Tỉnh, huyện không phải là người địa phương là cần thiết để ngăn chặn tình trạng cả nhà làm quan, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, lợi ích dòng tộc…

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận tặng quà tết cho hộ khó khăn tại Phan Rí Cửa

Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, đang diễn ra, các đại biểu đã thảo luận về Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đáng chú ý, vấn đề "bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện: Có nên không là người địa phương?” đã được các đại biểu đặc biệt quan tâm trao đổi, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn tại Hội trường.

Hội nghị Trung ương 7, khóa XII. Ảnh: Nhật Bắc

Nhiều Ủy viên T.Ư Đảng đã đồng tình với giải pháp trên, cho rằng qua đó sẽ giúp kiểm soát được quyền lực tốt hơn, tránh được sự ảnh hưởng từ các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em trên địa bàn.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, việc bố trí cán bộ cần thực hiện có lộ trình, có tính đến yếu tố đặc thù của một số địa phương, yếu tố vùng, miền, yếu tố văn hóa... Việc bố trí cán bộ phải có sự tương đồng, tránh bố trí cán bộ từ vùng biển lên miền núi và ngược lại cán bộ miền biển lên miền núi.

Về vấn đề này, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, đề xuất Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương không phải bây giờ mới đề cập đến. Trước đây, luật lệ thời xưa đã có luật Hồi tị, có nghĩa là những người làm quan không được làm quan tại địa phương sở tại của mình. Việc này nhằm tránh việc móc ngoặc với nhau hay còn gọi là lợi ích nhóm.

 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Đàm Duy

ĐB Dương Trung Quốc cho hay, thực tế rất nhiều người lợi dụng vị thế quan chức của mình để khai thác lợi ích, lợi ích nhóm, lợi ích dòng tộc… Do đó xuất hiện nhiều vấn đề mà dư luận bức xúc như cả họ làm quan, trọng người nhà chứ không trọng người tài,v.v… 

“Việc nghiên cứu vấn đề này để ngăn chặn tình trạng cả họ làm quan, nhũng nhiễu, lạm quyền  là đúng và cần thiết” – ĐB Dương Trung Quốc nói và cho rằng “Lâu nay năng lực giám sát của chúng ta chưa tốt, người dân có phát hiện ra vấn đề gì cũng không dám nói vì sợ bị trù úm hay tệ hơn là có nói ra cũng không giải quyết được vấn đề gì… Việc đưa ra các quy định đúng và thực hiện có hiệu quả, đồng thời áp dụng được quy chế dân chủ thì những việc làm sai trái sẽ được ngăn chặn tốt hơn”.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, nếu T.Ư làm được việc này sẽ ngăn chặn được tình trạng nhũng nhiễu hoặc hạn chế được việc chạy chức chạy quyền. Nếu anh có biểu hiện “này khác” cũng không thể thực hiện được nên không thể nhũng nhiễu vì còn cả ban kiểm soát lực lượng lẫn nhau.

 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương

“Chủ trương Bí thư tỉnh, huyện không là người địa phương đã có từ lâu rồi nhưng thời gian qua nhiều tỉnh chưa thực hiện. Theo tôi chủ trương lần này rất là đúng và cần thiết cần phải triển khai ngay. Nếu như Bí thư tỉnh, huyện không là người địa phương sẽ hạn chế được việc cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân” – ĐBQH Phương nhìn nhận.

Nói về những lo ngại cho rằng, nếu Bí thư tỉnh, huyện là người ngoài địa phương thì không nắm, hiểu rõ được yếu tố đặc thù của một số địa phương như vùng miền, văn hóa... ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: đây chỉ là những yếu tố “biện hộ cho mục đích cá nhân”. Vì đã là người Việt Nam thì không thể không nắm, hiểu được các yếu tố này.

“Vừa rồi nhiều cá nhân được luân chuyển từ T.Ư về các tỉnh, từ huyện này sang huyện kia vẫn làm việc tốt, không vấn đề gì. Việc này rất đơn giản” – ĐB Phương bày tỏ.

PGS,TS Bùi Thị An – nguyên ĐBQH nhận định, nếu cán bộ được giao, điều động làm Bí thư tỉnh, huyện của một địa phương khác sẽ phải tìm hiểu, tiếp cận rất kỹ về địa phương đó và với trình trình độ, năng lực cũng như kinh nghiệm của mình họ sẽ làm tốt nhiệm vụ.