Bàn giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông

(Mặt trận) - Sáng 28/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội phối hợp với Hội Nữ trí thức Hà Nội, Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (IRECO) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông nhằm chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội thảo. 

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia chuyên đề “Môi trường đô thị” của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, áp lực ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị chủ yếu do các phương tiện giao thông, hoạt động của các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của cư dân, xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào…

Trong đó các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ “đóng góp” nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí và các khí thải độc hại như SO2, NO2, CO, khói bụi… Ngoài ra, biến đổi khí hậu với những tác động ngày một hiện hữu và nghiêm trọng cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường không khí.

Hà Nội trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh, sự di dân tự do từ các tỉnh về thành phố lớn, việc xây dựng các công trình, các khu chung cư nhiều… nên đối mặt với thách thức lớn từ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Với trách nhiệm của mình, những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức các chương trình phối hợp bảo về môi trường gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; Tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường, gắn với việc thực hiện đúng Quy tắc ứng xử nơi công cộng… Đồng thời, hằng năm Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố tuyên truyền trong Nhân dân tích cực tham gia sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng trong giao thông nhằm giảm khí phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức hôm nay với mong muốn chia sẻ góc nhìn khoa học trong một số vấn đề cụ thể như: Giao thông và biến đổi khí hậu ở Việt Nam; Ô nhiễm không khí do khí thải giao thông và giải pháp giảm thiểu khí thải của các phương tiện giao thông; Khí thải giao thông và sức khỏe cộng đồng… Từ đó có cơ sở tham gia ý kiến tư vấn cho các cơ quan chức năng trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn và dài hạn, trong đó có vấn đề giao thông…

Quang cảnh hội thảo. 

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe về: Biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, những nỗ lực của quốc tế trong việc chống biến đổi khí hậu và trách nhiệm của Việt Nam; Mạng lưới toàn cầu về biến đổi khí hậu và sức khỏe, khuyến cáo đổi mới ngành giao thông bảo vệ khí hậu và sức khỏe; Thực trạng phát thải khí nhà kính trong hoạt động giao thông vận tải ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tác động của nó đến biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng; Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải của Việt Nam và các đồng lợi ích.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Thị Phương Hiền cho biết, nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ngành GTVT đã đưa ra 4 nhóm biện pháp gồm: Hiệu quả sử dụng năng lượng (phương tiện sử dụng nhiên liệu mới và tiêu chuẩn phát thải mới, tăng cường yếu tố tải trọng của xe tải; Chuyển đổi vận tải hành khách cá nhân sang công cộng gồm mở rộng hệ thống xe buýt, buýt nhanh BRT, triển khai hệ thống metro); Chuyển đổi vận tải hàng hóa đường bộ từ vận tải đường bộ sang ven biển, sang đường sắt, sang đường thủy nội địa; Thay đổi nhiên liệu như khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học E5/E10; Khuyến khích sử dụng xe máy điện, xe buýt CNG, xe buýt điện…

Song song với thực hiện chính sách quốc gia về GTVT, Hà Nội đã và đang thực hiện một số các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng môi trường không khí như triển khai đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn 2030”; Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới không cần thiết đi vào…

Đưa giải pháp giảm thiểu phát thải nhà kính trong lĩnh vực giao thông từ góc nhìn xã hội, TS. Phan Tân, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết hợp với tăng cường hiện đại hóa các phương tiện giao thông công cộng là biện pháp hữu hiệu để giảm lượng khí thải do giao thông gây ra. Do đó, chúng ta cần lựa chọn ưu tiên giải pháp đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trước, sau đó mới đến phương tiện hệ thống vận tải công cộng như buýt BRT, tàu điện… Như vậy, người dân sẽ tham gia giao thông công cộng nhiều hơn, từ đó góp phần giảm khí thải từ phương tiện cá nhân.

Các ý kiến cũng cho rằng, để bảo đảm môi trường giao thông thân thiện, cần đồng bộ giữa phát triển giao thông với hệ thống thoát nước, cây xanh; Giao thông đô thị rất cần các vành đai xanh, một mặt tạo cảnh quan đô thị thân thiện, mặt khác trở thành bộ lọc không khí vô cùng hữu hiệu cho môi trường đô thị…

Đáng chú ý, để chung tay giảm phát thải khí nhà kính cần vận động người dân tích cực tham gia giao thông công cộng, thay đổi thói quen giao thông, hạn chế phụ thuộc phương tiện vận tải trong phạm vi gần. Cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Cùng với đó triển khai và ứng dụng công nghệ mới trong GTVT nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Có chính sách ưu đãi với các nhà vận tải hàng hoá chuyển từ đường bộ sang đường thuỷ và đường sắt; Ủng hộ Nhà nước, Hà Nội trong việc giảm dần và không sử dụng xe máy trong nội thành đến năm 2030, trước mắt quản lý và kiểm tra chất lượng xe máy để loại các xe không bảo đảm chất lượng an toàn và vệ sinh môi trường…

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội thảo. 

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, Ban tổ chức hội thảo kiến nghị cơ quan chức năng vận động người dân tích cực tham gia giao thông công cộng; hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Cùng với đó là ủng hộ Nhà nước, thành phố trong việc giảm dần và không sử dụng xe máy trong nội thành đến năm 2030, trước mắt quản lý và kiểm tra chất lượng xe máy để loại các xe không bảo đảm chất lượng an toàn và vệ sinh môi trường. Đồng thời nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường, thuế bảo vệ dự phòng sức khỏe, đánh thuế các phương tiện giao thông cá nhân có động cơ gây ô nhiễm môi trường để điều chỉnh hành vi giao thông của người dân sang hướng dùng phương tiện giao thông công cộng; tăng cường trồng cây xanh, diện tích thảm cỏ, vườn hoa tạo không gian xanh, sạch, đẹp.

Những ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo là cơ sở để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Hội Nữ trí thức Hà Nội và Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng (IRECO) tổng hợp, góp ý kiến tư vấn cho đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tháng 11-2021 tại Anh.