Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát

(Mặt trận) -Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2024, tỉnh Bắc Giang đề ra chỉ tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ 100% gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang (thứ 3 từ bên phải sang) kiểm tra, khảo sát hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà tại xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam. Ảnh: T.P.

PV: Thưa ông, cho đến thời điểm này, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được triển khai đến đâu?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Triển khai thực hiện mục tiêu xoá 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới theo tinh thần Nghị quyết 307 ngày 6/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là một chủ trương lớn, thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhằm giúp cho người nghèo, cận nghèo và người có công ổn định chỗ ăn ở, ổn định cuộc sống và nhanh chóng thoát nghèo. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở trong năm 2024. Trong đó, MTTQ các cấp được giao chủ trì, tham mưu phối hợp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động mọi nguồn lực để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát năm 2024.

Qua rà soát, thống kê và kết quả phê duyệt của Ban chỉ đạo (BCĐ) các huyện, thị xã, thành phố, đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh còn 1.432 nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới. Sau gần 4 tháng triển khai phát động, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Đến nay, BCĐ các cấp đã tiếp nhận trên 38 tỷ đồng ủng hộ Chương trình thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp. Từ nguồn quỹ vận động được, toàn tỉnh đã khởi công 859 nhà, (đạt 72,8%) và đã hoàn thiện, bàn giao 470 nhà, (đạt 40%).

Ngoài ra, khi thực hiện việc này, nhiều địa phương, đơn vị còn sáng tạo trong triển khai Chương trình ở tất cả các khâu như: Rà soát, phân loại đối tượng để giao trách nhiệm cho từng ngành, đoàn thể; kết nối giữa đơn vị tài trợ với hộ gia đình có nhu cầu, nhất là đối với những hộ thực sự khó khăn không có khả năng đối ứng để hỗ trợ theo hình thức “Chìa khoá trao tay”; giúp đỡ khâu tổ chức, triển khai cũng như vận động hỗ trợ ngày công, vật liệu...

Từ thực tiễn triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình có gặp khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

-Qua triển khai thực hiện tôi thấy rằng, công tác vận động, huy động kinh phí để hỗ trợ Chương trình so với đăng ký còn chưa đạt tiến độ. Kết thúc quý cao điểm, toàn tỉnh thu vào quỹ mới đạt 38/90 tỷ đồng. Việc vận động, triển khai hỗ trợ hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới còn chậm. Ngoài ra, qua thống kê, rà soát một số địa phương, hộ gia đình cần xoá nhà tạm, nhà dột nát nhưng chưa đảm bảo điều kiện về quyền sử dụng đất ở để được hỗ trợ xây mới thì còn khá nhiều ở các địa phương, nhất là các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, Yên Dũng. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công có nhà tạm, nhà dột nát có nơi chưa chặt chẽ, còn lúng túng. Một số trường hợp chồng chéo giữa các chương trình hoặc thay đổi, điều chỉnh sau khi đã phê duyệt danh sách hoặc cách thức thực hiện.

Bên cạnh đó, một số địa phương còn đối tượng đang sinh sống trong điều kiện nhà xuống cấp, dột nát nhưng không có khả năng đối ứng để xây dựng và sửa chữa nhà ở do số kinh phí được hỗ trợ chưa đảm bảo để triển khai thực hiện. Thậm chí, có trường hợp còn thụ động, anh em họ hàng người thân chưa có trách nhiệm tương trợ, giúp đỡ, có tâm lý trông chờ ỷ lại vào cộng đồng…

Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng về mặt tổng thể có lẽ do công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các Nghị quyết, Kế hoạch triển khai Chương trình của Ban Chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (BCĐ 714)... ở một số cơ quan, địa phương còn hạn chế, chưa sâu rộng. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tích cực vào cuộc, việc hưởng ứng tham gia Chương trình còn hình thức nên hiệu quả hạn chế... Bên cạnh đó, đối với các trường hợp vướng mắc về đất đai cần có thời gian để kiểm tra, rà soát, thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Với quyết tâm phấn đấu đến hết quý III/2024 khởi công 100% các công trình cho các đối tượng đủ điều kiện đã được phê duyệt. Tháng 11/2024, hoàn thành nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng; tháng 12/2024 hoàn thành thanh quyết toán theo quy định. Xin ông cho biết cần có những giải pháp như thế nào để các địa phương đạt được đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra?

-Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình để huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc; các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia; các hộ dân đồng thuận, nỗ lực thực hiện, tránh tình trạng cấp dưới trông đợi vào cấp trên, hộ gia đình mong đợi chính sách cao hơn. Ngoài ra, cần tiếp tục động viên toàn dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” để sớm có đủ nguồn lực thực hiện hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Các ngành, các tổ chức đoàn thể cần chủ động xác định mục tiêu và có các hoạt động thiết thực, cụ thể, hiệu quả giúp hội viên, đoàn viên có nhà tạm, nhà dột nát xây dựng, sửa chữa nhà ở. Bên cạnh đó, quan tâm vận động các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có công chủ động tự nguyện xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024 từ nguồn kinh phí của chính gia đình và người thân...

Trân trọng cảm ơn ông!

Tuệ Phương (thực hiện)