Ba không trong phòng, chống tham nhũng

(Mặt trận) - Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các nhà nghiên cứu tội phạm học đã đưa ra biện pháp 3 không, đó là: không thể, không dám và không cần tham nhũng. Thực tế trên các diễn đàn đã đề cập đến nội dung này, nhưng chưa đi vào cuộc sống. Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả, đòi hỏi phải có chủ trương, biện pháp cụ thể.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu chủtrì cuộc họp “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” tháng 10/2017, tại Hà Nội.

Trong những năm qua, một số vụ án tham nhũng mà bị cáo là những người giữ cương vị cao trong các cơ quan Đảng và Nhà nước đã được đưa ra xét xử cho thấy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử thu hút sự quan tâm và nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân trong cả nước. Những dấu hiệu tích cực này không phải bỗng nhiên có được.

Quá trình điều tra và xét xử những vụ án tham nhũng lớn vừa qua đã thể hiện được những kết quả ban đầu của công cuộc cải cách tư pháp đang diễn ra. Một số nguyên tắc của nền công lý hiện đại được hiến định trong Hiến pháp 2013 đã được vận dụng. Các chế định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; suy đoán vô tội; thực hành tranh tụng thay cho xét hỏi để xác định sự thật khách quan…” đã được thể hiện. Nguyên tắc “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tội phạm và “nói đi đôi với làm” đã được các cơ quan tư pháp cương quyết áp dụng. Việc can thiệp vào công tác điều tra, xét xử đã được giảm nhiều. Những việc làm trên đã làm tăng lòng tin của nhân dân vào sự công bằng của cán cân công lý.  

Trừng trị nghiêm khắc những người phạm tội là hết sức cần thiết. Nó vừa có tác dụng phòng ngừa riêng (răn đe tội phạm tái phạm), vừa có tác dụng phòng ngừa chung đối với những toan tính bước vào con đường phạm tội. Nhưng để đạt được mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung thì việc trừng trị nghiêm người phạm tội là chưa đủ. Nó đòi hỏi phải có chủ trương, biện pháp phòng, chống tội phạm một cách toàn diện.

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các nhà nghiên cứu tội phạm học đã đưa ra ba phương châm: 1) Không thể; 2) Không dám; 3) Không cần tham nhũng. Ba phương châm này đã được đề cập đến trên các diễn đàn, nhưng cho đến nay những phương châm này vẫn chưa thực sự thâm nhập được vào cuộc sống, mà dường như chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi. Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đòi hỏi phải có những chủ trương, biện pháp cụ thể để thực thi các phương châm đã nêu.

Chủ trương, biện pháp thực thi phương châm không thể tham nhũng

Kê khai tài sản

Kê khai trung thực tài sản là nghĩa vụ, trách nhiệm tối thiểu của viên chức nhà nước. Đây là một trong những tiêu chí để lựa chọn đầu vào nhằm ngăn ngừa những kẻ cơ hội lọt vào bộ máy nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, việc kê khai biến động tài sản còn phải được tiếp tục trong quá trình tại chức. Việc kê khai này có quá nhiều bất cập, kê khai nhưng không công khai. Những người có trách nhiệm phải kê khai, các loại tài sản phải kê khai chưa được quy định thống nhất. Việc kiểm tra tính trung thực của các bản kê khai còn bị bỏ ngỏ. Dư luận cho rằng, chính những viên chức thiếu liêm chính là những nhân tố gây cản trở trong thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản. Việc ban hành văn bản pháp luật nhằm đảm bảo cho việc kê khai tài sản sớm đi vào nề nếp và loại trừ được những bất cập hiện hữu là rất cần thiết.

Pháp luật hóa và thực hiện nghiêm những điều cấm làm đối với viên chức

Các nhà nước hiện nay trên thế giới đều ban hành danh mục các điều cấm làm đối với viên chức. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi nước mà danh mục dài ngắn khác nhau. Ở nước ta, vào thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông đã ban hành 6 điều cấm, dưới dạng các điều luật cụ thể của Bộ luật Hồng Đức, như: “cấm đưa quan lại về trị nhậm tại quê quán; cấm lấy vợ và cấm kết làm thông gia với người thuộc địa phương nơi trị nhậm; cấm mua bán đất đai, nhà cửa; cấm vay mượn hoặc cho vay mượn của cải đối với dân địa phương nơi trị nhậm”. Quan lại vi phạm các điều cấm trên đây bị bãi chức, bị thu hồi mọi sắc phong được vua ban, bị hủy mọi chế độ đãi ngộ khi về hưu. Bằng cách như vậy, vua Lê Thánh Tông đã tạo ra được một đội ngũ quan lại mẫn cán, rất mực liêm chính và đưa Đại Việt trở thành nước cường thịnh bậc nhất so với các triều đại phong kiến trước và sau ông.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những văn bản quy định danh mục các việc cấm làm đối với đảng viên; tiếp theo, ngày 30/5/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36 về “Thực hiện chủ trương bố trí chức danh Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng KSND và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành Thanh tra, Công an, Tài chính, Thuế, Hải quan không là người địa phương…”. Mục đích của Chỉ thị là để ngăn ngừa tệ lạm dụng, lợi dụng chức quyền. Các văn bản này chưa được luật hóa. Việc phổ biến, quán triệt và thực thi những điều cấm và Chỉ thị 36 chưa được sơ kết, tổng kết nên chưa có cơ sở đánh giá là Chỉ thị đã thâm nhập được vào cuộc sống hay chưa? Chỉ thị đã được ban hành từ năm 2014, nhưng đến nay, những nơi nào đã làm được như Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị đã quy định vẫn chưa có câu trả lời.

Thực hành nghiêm chế độ kiểm toán đối với mọi cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước

Đối tượng của tội tham nhũng, lãng phí là tiền bạc và bất động sản. Qua tổng kết cho thấy hoạt động kiểm toán đã phát hiện ra nhiều vụ chi tiêu sai mục đích, vượt chỉ tiêu, những vụ tham nhũng, lãng phí làm thất thoát những khoản tiền lớn của ngân sách. Các hành vi sai phạm được phát hiện sau kết quả kiểm toán cần được xử lý một cách kiên quyết và dứt khoát hơn. Hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực của cán bộ ngành kiểm toán hiện đang được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và coi đó là biện pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật

Nền pháp luật hiện hành của nước ta có nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp, lỗi thời nhưng chậm được phát hiện, chậm được khắc phục. Kịp thời khắc phục những bất cập của pháp luật là cách phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Việc khắc phục những bất cập của pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của Quốc hội, mà cả các cơ quan tư pháp cũng phải chủ động tham gia. Nếu như qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tư pháp có những kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội về sửa đổi, bổ sung pháp luật thì hoạt động phòng, chống tội phạm tham nhũng sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều.

Thiết lập hệ thống kiểm tra rộng khắp, nhạy bén, có hiệu lực

Ở nước ta hiện đã có hệ thống kiểm tra, thanh tra đa dạng, rộng khắp từ Trung ương xuống đến cơ sở. Hoạt động kiểm tra, thanh tra đã có tác dụng lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhưng hoạt động thanh tra, kiểm tra còn bộc lộ nhiều bất cập, như: “chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm tra, thậm chí còn để xảy ra các hiện tượng tiêu cực trong những người làm công tác thanh tra”. Bất cập lớn nhất của công tác kiểm tra, thanh tra là chưa thực hiện đầy đủ việc xã hội hóa hoạt động kiểm tra, giám sát. Thực tiễn cho thấy, nơi nào chính quyền mạnh dạn thu hút nhân dân tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát, như: giám sát xây dựng công trình cộng đồng ở địa phương, giám sát việc thực hiện quy hoạch và sử dụng đất đai thì việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất có hiệu quả.

Để thực hiện phương châm “không thể tham nhũng” còn có rất nhiều biện pháp cụ thể nữa, như: “lương hóa” các khoản chi phí cho viên chức khi làm việc, lấy phiếu tín nhiệm, quy định về quà biếu đối với viên chức và các chủ trương, biện pháp xây dựng nền hành chính quốc gia minh bạch, trong sạch, xây dựng chính phủ điện tử, bộ điện tử, văn phòng điện tử… 5 biện pháp đã được nêu ở trên là những biện pháp gốc, mang tính cơ bản và toàn diện đã được áp dụng phổ biến với nhiều quốc gia trên thế giới.      

Những biện pháp làm cho kẻ tham lam không dám tham nhũng

Biện pháp khiến cho kẻ tham lam không dám tham nhũng là buộc họ phải đối mặt với nguy cơ thân bại, danh liệt, bị mất tất cả nếu tay dám “nhúng chàm”. Không áp dụng án treo hoặc chuyển sang xử lý kỷ luật nội bộ đối với kẻ phạm tội tham nhũng. Lênin đã từng nói rằng, xử án treo với viên chức phạm tội tham nhũng là sự nhạo báng pháp luật. Những kẻ phạm tội tham nhũng còn bị hình phạt bổ sung là cấm không được tiếp tục làm viên chức nhà nước. Có nên áp dụng hình phạt tử hình đối với kẻ phạm tội tham nhũng hay không là vấn đề đang gây tranh cãi trên các diễn đàn. Nhưng nhìn chung, các nước trên thế giới đều có xu thế xử lý rất nghiêm đối với tội tham nhũng.

Những biện pháp khiến cho viên chức không cần tham nhũng

Để cho viên chức không cần tham nhũng thì điều tối thiểu là cung cấp cho họ mức lương đủ để hồi phục sức lao động cho bản thân, nuôi sống gia đình và có tiền tiết kiệm. Theo thống kê của một số nước trên thế giới cho thấy, ở các nước mà viên chức có mức lương cao thì ở đó tội tham nhũng chiếm tỷ lệ rất thấp. Sự trong sạch trong bộ máy Nhà nước ở Singapore và một số nước khu vực Bắc Âu là minh chứng thuyết phục về vấn đề này. Mặt khác, có những nước dù viên chức có mức lương và đãi ngộ rất cao nhưng vẫn là những con hổ tham nhũng bởi ham muốn của con người là vô hạn. Vì vậy, các biện pháp về tăng cường rèn luyện, tu dưỡng đạo đức liêm chính vẫn phải được tăng cường thường xuyên, liên tục đối với viên chức nhà nước.

Ba phương châm về phòng, chống tham nhũng nói trên có mối liên quan chặt chẽ lẫn nhau và rất cần đến sự hỗ trợ của nhau. Đơn độc hoặc nhấn mạnh đến một phương châm nào cũng khó thành công. Nhấn mạnh xử phạt mà xem nhẹ các biện pháp chủ động phòng ngừa, giáo dục hoặc kêu gọi nhiều về mặt đạo đức mà thiếu răn đe nghiêm khắc cũng không thể hạn chế được tham nhũng. Tuy vậy, trong thực tiễn những biện pháp nhằm làm cho những kẻ muốn tham nhũng nhưng không thể tham nhũng được coi là khâu trung tâm, được đặt lên hàng đầu vì nó mang tính chủ động phòng ngừa rất cao. Vì vậy, các nước tiên tiến rất quan tâm đến việc bịt lỗ hổng trong chính sách, luật pháp và hoàn thiện các biện pháp khiến cho những kẻ dẫu muốn tham nhũng vẫn không thể tham nhũng được.

Hoạt động phòng, chống tham nhũng gần đây đã có nhiều tiến bộ, nhưng nhìn chung nạn tham nhũng vẫn chưa có chiều hướng giảm. Người dân, chủ doanh nghiệp vẫn phải chi những khoản “bôi trơn” viên chức mới mong công việc được giải quyết nhanh chóng. Tệ nạn tham nhũng làm cho nhiều chính sách, pháp luật tiến bộ của Nhà nước không phát huy được đầy đủ tác dụng của nó với cuộc sống. Tham nhũng đã cướp mất nguồn tài chính để mở rộng đầu tư và để cải thiện cuộc sống dân sinh. Đây là nguyên nhân làm cho nạn tham nhũng đang gây ra nhiều bức xúc, bất bình trong nhân dân. Dư luận mong rằng, trong thời gian tới, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước cần có kế hoạch mang tính tổng thể hơn trong thực hiện ba phương châm của phòng, chống tham nhũng.       

Để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, đề nghị Đảng và Nhà nước phát động phong trào thực hiện khẩu hiệu: “Trong bộ máy nhà nước không có chỗ cho những kẻ tham nhũng!” Hy vọng rằng trong một thời gian ngắn, Việt Nam sẽ không còn là nước có tỷ lệ tham nhũng cao như hiện nay. Đấu tranh để tệ nạn tham nhũng giảm xuống đến mức thấp nhất là phương hướng chính trong việc xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Luật sư Lê Đức Tiết