Vĩnh Phúc: Phản biện nội dung dự thảo đề án và nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp

(Mặt trận) - Ngày 7/6/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội về nội dung dự thảo đề án và nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp (CN) theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành CN của tỉnh tăng trưởng và chiếm tỷ trọng khá cao, với giá trị gia tăng bình quân đạt khoảng 10,2%/năm, góp phần chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, nhìn chung, ngành CN phát triển chưa thực sự bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của một số ngành chưa mạnh mẽ, vẫn còn phát triển theo chiều rộng; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế…

Do đó, việc xây dựng đề án về phát triển CN theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030 là cần thiết, hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất CN theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu CN, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của ngành.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh CN phát triển, trung tâm của cả nước về CN điện tử; đến năm 2030, ngành CN của tỉnh có một số sản phẩm chế biến, chế tạo hiện đại, chuyên môn hóa cao, hướng tới phát triển ổn định và bền vững.

Dự thảo đề án đã chỉ rõ quan điểm, giải pháp cụ thể, phát triển CN phải kết hợp hài hòa theo cả chiều rộng và chiều sâu; tận dụng lợi thế cạnh tranh của tỉnh, lợi thế thương mại để phát triển chuyên sâu một số ngành CN nền tảng, chiến lược; phát triển CN công nghệ thông tin, CN điện tử, tự động hóa là con đường chủ đạo; phát triển CN chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển CN chế tạo thông minh là bước đột phá…

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí với việc xây dựng đề án; đồng thời, tập trung phản biện, trao đổi về sự cần thiết và các giải pháp nhằm phát triển CN theo chiều sâu.

Một số đại biểu đề xuất nên đưa nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm vào nhóm ngành ưu tiên phát triển; bổ sung nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; rà soát nhiệm vụ, mục tiêu của đề án đảm bảo đồng bộ với những nghị quyết đã được ban hành…

Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu, kiến nghị với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện trình UBND tỉnh xem xét bổ sung vào đề án để triển khai thực hiện có hiệu quả, phấn đấu đưa CN trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của vùng và cả nước.