Vĩnh Lộc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân

(Mặt trận) -Thời gian qua, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa trọng tâm là các lĩnh vực liên quan đến đời sống Nhân dân đã có sức lan tỏa, từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm cũng như sức sáng tạo của người dân, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của Nhân dân, nhiều tuyến đường giao thông ở thị trấn Vĩnh Lộc được đầu tư xây dựng khang trang.

Đến thăm xã Ninh Khang vào những ngày đầu tháng 7 này, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay vượt bậc của vùng quê này. Có được thành quả ấy là nhờ cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xã đã thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã công khai, thông báo để Nhân dân biết các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, những chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, việc sử dụng các khoản huy động đóng góp của Nhân dân, bằng hình thức niêm yết tại trụ sở UBND xã, qua hệ thống loa truyền thanh, họp khu dân cư, hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Trên cơ sở nắm bắt thông tin, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định những công việc quan trọng, thiết thực gắn với lợi ích của mình. Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức xã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư, tình cảm, đề xuất, kiến nghị của Nhân dân trong giải quyết các vụ việc phát sinh từ cơ sở. Năm 2010, thời điểm xã bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều thôn chưa có nhà văn hóa, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất của người dân thiếu đồng bộ. Trên tinh thần người dân là “chủ thể” trong xây dựng nông thôn mới và phát huy dân chủ ở cơ sở, đảng ủy, chính quyền xã đã đưa công tác đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn ra bàn bạc với Nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất. Đồng thời, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu thi công các công trình. Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cuối năm 2021 xã đã về đích xã nông thôn mới nâng cao. Hiện bình quân thu nhập của người dân trong xã đạt 51,32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,51%. Kết quả trên đang là nền tảng, động lực để cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong xã bước vào chặng đường xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Không chỉ ở xã Ninh Khang, việc thực hiện QCDC theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” đều được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc thực hiện hiệu quả. Đồng chí Lê Văn Tịnh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Lộc, cho biết: Thực hiện QCDC ở cơ sở, chính quyền và Nhân dân trong huyện ngoài thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình còn tạo sức mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng tại địa phương. Điều đó được khẳng định rõ trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, các xã đã tiến hành công khai, tạo điều kiện để người dân tham gia bàn bạc, cùng quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến công tác dồn điền, đổi thửa, đóng góp xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông liên thôn. Tại một số địa phương, đơn vị, dưới các hình thức công khai hóa đa dạng như trên hệ thống truyền thanh, các cuộc họp thôn, xóm, tiếp xúc cử tri, niêm yết tại công sở... đông đảo người dân được tham gia bàn bạc các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình như: mức đóng góp, bình xét các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Bên cạnh đó, thực hiện Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở cơ sở, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng thường xuyên tổ chức cho Nhân dân tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp các vấn đề xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước, quy định những nội dung Nhân dân được biết, bàn bạc và quyết định; bảo vệ môi trường; thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh; công tác khuyến học, khuyến tài... Từ đó, ý thức làm chủ của Nhân dân được thực hiện tốt hơn, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết, động viên người dân tích cực góp công, góp của chung tay xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Q.H