Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định về một số chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn

(Mặt trận) -Sáng 6/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định về một số chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn TP Hà Nội. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường chủ trì Hội nghị.

Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án, 2 vụ việc

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng

Nên tập trung đầu tư theo vùng

Phát biểu góp ý vào dự thảo Nghị quyết, tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa rất nhanh tại Hà Nội đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô nói chung và nông thôn rói riêng, song cũng làm cho quy hoạch về nông nghiệp Thủ đô buộc phải thay đổi. Trong khi, quy hoạch vùng chưa kịp thích ứng được điều đó, đã hạn chế sự phát triển đồng bộ, bền vững cho nông nghiệp Thủ đô. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết của HĐND TP lần này là rất kịp thời.

 Quang cảnh hội nghị phản biện

Mặc dù vậy, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đề nghị, các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cho Hà Nội nên tập trung đầu tư theo vùng, theo giống; hơn nữa, nếu có chính sách tốt mà việc thực hiện không tốt thì cũng không mang lại hiệu quả thực sự, nên trong phần “tổ chức thực hiện” của Nghị quyết này nên nêu rõ sự phân công chỉ đạo rất chi tiết, cụ thể, tránh tình trạng hiện nay nhiều khi không rõ trách nhiệm giữa các ngành, các cấp.

Bên cạnh đó, theo đại biểu này, nếu cứ thực hiện từng chính sách thì rất tản mạn, tách rời nhau, trong khi mục tiêu của TP là xây dựng các vùng nông nghiệp tập trung, vùng sản xuất giống, xây dựng các khu công nghệ… Do đó, chỗ nào là vùng tập trung đã được phê duyệt quy hoạch thì nên tập trung một các đồng bộ các chính sách, từ đầu tư hỗ trợ giống, sản xuất, cho tới đào tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, chính sách về đất đai…, tức là tích hợp các chính sách. Trong đó, chính sách khác nhau với vùng chỉ để duy trì và vùng để đầu tư xây mới.

“Đặc biệt, rất cần có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn Hà Nội, vì thường vào lĩnh vực này có tính rủi ro cao, trong khi nếu không có doanh nghiệp đầu tư thì nông nghiệp không thể phát triển được”- ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.

Còn theo nguyên Đại biểu Quốc hội, TS Bùi Thị An, trong Nghị quyết lần này của HĐND TP cần có tính kế thừa, đảm bảo hỗ trợ để xây dựng được các mô hình sản xuất – chính là cơ sở để phát triển nông thôn hiện đại và bền vững, nếu không thì sản phẩm sẽ không có chất lượng, không an toàn và không có lợi nhuận. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ vốn ban đầu để xây dựng được mô hình liên kết chưa hoàn chính, trong đó hợp tác xã là hạt nhân, vì thực tế mô hình liên kết chưa hoàn chỉnh đã thể hiện mang lại lợi ích cho cả hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ nông dân, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển quy mô sản xuất lớn, hiện đại hóa nông thôn.

Riêng về mức hỗ trợ, đồng tình với Điều 12 trong dự thảo Nghị quyết, song TS Bùi Thị An đề nghị thêm có hỗ trợ cho các chủ thể như hợp tác xã thậm chí hộ cá nhân có quy mô sản xuất lớn, cụ thể là về chi phí chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, kiểm nghiệm, đăng ký mã số mã vạch, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm…

Chính sách đặc thù với Hà Nội đang rất cần thiết

Góp ý vào Dự thảo, các đại biểu đề xuất các chính sách trong Nghị quyết này nên được sắp xếp thành 2 nhóm chính sách: Một là những chính sách đã có ở cấp Trung ương; hai là những chính sách chưa có ở đâu nhưng riêng với đặc thù Hà Nội đang rất cần thiết, đảm bảo phù hợp Luật Thủ đô. Hơn nữa, vốn cho nông nghiệp rất hạn chế, nên chính sách cần tập trung vào mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm hiện đại, đồng bộ về sản xuất giống cây trồng, thủy sản công nghệ cao. Đặc biệt, cần có mục tiêu rõ ràng đến năm 2030 tiến tới đến 2050, Hà Nội có nền nông nghiệp sinh thái, từ đó sẽ xây dựng các chính sách cụ thể đi theo.

Đáng chú ý, một số đại biểu cho rằng, xây dựng các chính sách đặc thù cho nông nghiệp Hà Nội thì không nên quá nhiều chính sách, mà để nguồn lực đủ lớn và đủ tập trung thì mỗi đối tượng chỉ nên được hưởng 1 chính sách, đồng thời các chính sách không nên rải đều cho nhiều lĩnh vực mà nên tập trung vào một số lĩnh vực đang còn khó khăn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu để Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổng hợp, chắt lọc, cập nhật các nội dung cần thiết để gửi đến cơ quan soạn thảo Nghị quyết. Theo bà Nguyễn Lan Hương, các ý kiến đều khẳng định vai trò, vị trí và tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô cũng như quyết tâm của lãnh đạo TP Hà Nội khi ban hành và thực thi Nghị quyết liên quan các chính sách cho lĩnh vực này. Trong đó, đều đánh giá cao dự thảo Nghị quyết được soạn thảo công phu, chi tiết, có tính kế thừa; thống nhất cao với 11 chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có những chính sách đã có và khẳng định nét đặc thù hơn, tập trung hơn của TP. Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết đã tiếp cận ngay với Luật Thủ đô sửa đổi, tránh sự trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn chính sách.

N.L