Ủy ban MTTQ TP. Cần Thơ: Góp ý, phản biện nhiều dự thảo chính sách sắp ban hành

(Mặt trận) -Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị góp ý, phản biện đối với dự thảo các nghị quyết của HÐND thành phố dự kiến thông qua tại kỳ họp HÐND thành phố vào cuối năm. Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố đã ghi nhận nhiều ý kiến thiết thực, góp phần hoàn thiện các chính sách HÐND thành phố dự kiến ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Ông Đinh Trung Trực, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Cần Thơ  phát biểu tại hội nghị.

Qua góp ý, phản biện, đa số đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành các nghị quyết của HÐND thành phố. Ðồng thời, có những đóng góp thiết thực để các dự thảo nghị quyết của HÐND thành phố hoàn thiện hơn.

Ðối với quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí và mức thu dịch vụ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố từ năm học 2021-2022, có đại biểu cho rằng, việc thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí vào thời điểm này là chưa phù hợp, bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh không học trực tiếp tại trường học và một số cấp đang học online. Ðại biểu đề nghị xem xét, ban hành nghị quyết vào thời điểm thích hợp hơn. Các đại biểu cũng quan tâm đến việc thu phí dịch vụ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố từ năm học 2021-2022. Ông Nguyễn Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố, nói: “Việc thu phí tuyển sinh vào lớp 10, với số tiền 210.000 đồng/học sinh là không cần thiết. Tôi đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ khoản phí tuyển sinh đầu vào để phụ huynh giảm được các khoản chi phí; khuyến khích học sinh tự tin thi vào các trường mình chọn lựa”.

Trong góp ý, phản biện, các đại biểu thống nhất đối với dự thảo nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi cấp học bổng cho sinh viên Lào và Campuchia học tại thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của thành phố. Theo báo cáo của Sở Ngoại vụ thành phố, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã cấp 46 suất học bổng cho 9 sinh viên Lào và 28 sinh viên Campuchia, với tổng số tiền trên 6,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết quy định số lượng học bổng tối đa không quá 10 suất. Bà Lê Cẩm Thoa, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, góp ý: “Thời gian qua, thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Lào và Campuchia theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc quy định mức chi không quá 10 suất học bổng/năm là không phù hợp. Tôi đề nghị đơn vị soạn thảo không quy định số lượng học bổng mà căn cứ theo tình hình thực tế hằng năm để xác định số lượng cụ thể”.

Theo dự thảo nghị quyết mức hỗ trợ khi di dời ra khỏi các khu vực không được phép chăn nuôi, chăn nuôi trang trại quy mô lớn được hỗ trợ 7 triệu đồng/cơ sở; chăn nuôi trang trại quy mô vừa được hỗ trợ 5 triệu đồng/cơ sở; chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ được hỗ trợ 3 triệu đồng/cơ sở; chăn nuôi hộ được hỗ trợ 1 triệu đồng/cơ sở. Các đại biểu cho rằng mức chi hỗ trợ như trên là quá thấp. Ông Trương Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết: “Hiện tại, nhiều cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn đầu tư chi phí gần cả tỉ đồng. Việc quy định mức hỗ trợ như trên sẽ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Tôi đề nghị các đơn vị soạn thảo xem xét nâng mức hỗ trợ di dời cho người dân hoặc căn cứ vào tình hình thực tế để có chính sách hỗ trợ hợp lý”. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, đến năm 2020, có 1.981 cơ sở trên địa bàn thành phố thuộc diện phải di dời hoặc ngừng các hoạt động chăn nuôi. Bà Châu Thị Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, nói: “Việc di dời các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư và cải thiện môi trường sống cho người dân là rất cần thiết. Tôi đề nghị đơn vị soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tác động đối tượng chịu ảnh hưởng để đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp”...

Ông Ðinh Trung Trực, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Cần Thơ, cảm ơn các thành viên Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQVN thành phố đã tham gia thảo luận, góp ý, phản biện đối với dự thảo các nghị quyết để hoàn thiện cơ chế, chính sách sắp được ban hành. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố sẽ tổng hợp ý kiến, chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết.

T.T