Ủy ban MTTQ tỉnh Trà Vinh phản biện xã hội về dự thảo Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030

(Mặt trận) -Ngày 02/6, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị phản biện xã hội về dự thảo Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030.

Cần Thơ: Phản biện xã hội các dự thảo về Luật Nhà ở và Nghị quyết ưu tiên phát triển quận Ninh Kiều

Công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước

Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

 Đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Triết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Tiết Cường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Vương Hải Khoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại diện đơn vị soạn thảo văn bản; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các Hội đồng tư vấn thuộc Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và thành phố Trà Vinh qua các thời kỳ.

Tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu nội dung cơ bản của Đề án. Theo Đề án, kinh tế ban đêm tại Trà Vinh nổi bật là hoạt động thương mại với phố ẩm thực nằm ở vị trí trung tâm thành phố Trà Vinh, khu vực chợ Trà Vinh, một số tuyến phố ẩm thực, mua sắm trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở kinh doanh đã thúc đẩy hoạt động mua sắm vào ban đêm. Hoạt động văn hóa giải trí về đêm cũng phát triển với các câu lạc bộ đờn ca tài tử, rạp chiếu phim, trò chơi máy điện tử, karaoke...

Vì vậy, việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 nhằm chủ động xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh, tập trung phát triển 04 lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; Dịch vụ ăn uống; Dịch vụ mua sắm và dịch vụ Du lịch tại các địa phương, khu vực có tiềm năng về phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ hình thành 02-03 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm, phát triển ít nhất 01 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương; hình thành ít nhất 02-03 tour, tuyến du lịch đặc sắc kết hợp kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình 02 ngày.

Hoạt động kinh tế ban đêm tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 06- 08%. Đóng góp của kinh tế ban đêm về thương mại - dịch vụ ước tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tỉnh dự kiến tăng bình quân 17%/năm. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Trà Vinh năm 2025 là 1,7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 930 tỷ đồng.

Đến năm 2030, Trà Vinh hình thành 06-07 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm, phát triển ít nhất 02-03 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương, hình thành ít nhất 04-05 tour, tuyến du lịch đặc sắc kết hợp kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 02-03 ngày. Hoạt động kinh tế ban đêm tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 08% trở lên. Đóng góp của kinh tế ban đêm vào mục tiêu của tỉnh về thương mại - dịch vụ: Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tỉnh dự kiến tăng bình quân 15%/năm. Năm 2030, tỉnh đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 1.850 tỷ đồng năm 2030.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: các loại hình hoạt động phù hợp với khách du lịch ngoài tỉnh. Đánh giá kỹ phát triển KTBĐ của tỉnh để có giải pháp đồng bộ đảm bảo KTBĐ phát triển bền vững. Một số tiêu chí khảo sát chưa nêu rõ được về đối tượng và số lượng các tổ chức, cá nhân được khảo sát; đề nghị cần có định hướng cho rõ, vì thời gian từ nay đến năm 2030 không còn nhiều, nhất là năm 2025 đã cận kề, nên ưu tiên cho hoạt động văn hóa Khmer và đờn ca tài tử. Tỉnh cần học tập kinh nghiệm tại các tỉnh lân cận để chọn giải pháp phù hợp với Trà Vinh…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện nhấn mạnh: UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của đại biểu đóng góp cho Đề án. Theo đó, để đánh giá cơ sở xây dựng, Đề án cần phân giai đoạn và chọn điểm để triển khai, không dàn trải. Phát triển kinh tế ban đêm cần bức phá về du lịch, mở tuyến du lịch liên kết, xây dựng các điểm nhấn du lịch.

Hiện UBND tỉnh đang xây dựng hệ thống du lịch cáp treo từ vàm Trà Vinh, cồn Thủy Tiên, cù lao Long Trị và đã có đơn vị đầu tư; mở tuyến du lịch liên kết vùng Trà Vinh - Bến Tre - Vĩnh Long - Sóc Trăng; tuyến du lịch Trà Vinh - Côn Đảo. UBND tỉnh sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

 Đồng chí Nguyễn Văn Triết phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Triết nhấn mạnh: hội nghị phản biện trên tinh thần xây dựng để đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan để dự thảo Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030 có tính khả thi cao, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh rất mong Sở Kế hoạch và Đầu tư kịp thời tiếp thu, trả lời, giải trình ý kiến của đại biểu; kịp thời tham mưu UBND tỉnh, thông qua HĐND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đề án nên thực hiện có trọng điểm, trọng tâm, tránh đại trà. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia phản biện xã hội nắm bắt, nghiên cứu nội dung dự thảo Đề án để phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận, cùng thực hiện khi Đề án chính thức ban hành.

Theo Báo Trà Vinh