Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định giám sát công tác hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19

(Mặt trận) -Trong thời gian vừa, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện giám sát, đánh giá hiệu quả công tác giám sát của MTTQ cơ sở về thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hoạt động này cũng nhằm kịp thời nắm bắt các vấn đề vướng mắc, góp phần đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, chính xác.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn

MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái giám sát sâu từng lĩnh vực của đời sống

Cán bộ khu phố thuộc phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai chính sách đến đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định

Giám sát chặt chẽ

Trong tháng 5, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tham gia giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đồng thời nắm bắt tâm tư, dư luận xã hội về việc thực hiện chính sách này. MTTQ cấp trên cũng tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả giám sát của MTTQ cấp dưới trực tiếp.

Tại phường Bình Định (TX An Nhơn), Ủy ban MTTQ Việt Nam phường giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, có hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm; giám sát việc chi trả hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công.

Qua giám sát, Ủy ban MTTQ phường nhận thấy còn một số tồn tại: Việc tiếp thu các văn bản hướng dẫn của cấp trên chưa đầy đủ, còn nhầm lẫn về các đối tượng nên khi lập danh sách chưa đảm bảo chính xác, phải tiến hành rà soát nhiều lần dẫn đến việc niêm yết công khai danh sách còn chậm tiến độ. Việc rà soát chưa chặt chẽ nên trùng lắp 41 trường hợp hộ nghèo, cận nghèo với đối tượng bảo trợ xã hội, 3 trường hợp trùng giữa đối tượng bảo trợ xã hội với người có công, nên phải thu hồi số tiền đã chi trả trùng, nộp lại ngân sách.

Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) đã lập kế hoạch giám sát các bước triển khai công tác hỗ trợ tại địa phương. Trừ nhóm đối tượng đầu tiên, đến nay, phường mới rà soát thông qua danh sách 20 hộ đăng ký kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm. Nhóm đối tượng kinh doanh chưa kê khai thuế, có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm chưa rà soát xong.

“Nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, UBND phường đang tiếp tục họp Hội đồng xét duyệt, rà soát từng khu phố để chốt danh sách, báo cáo thành phố và tổ chức niêm yết, thông báo công khai”, bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, cho biết.

Ông Đinh A Zơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh, trao đổi: “Ở cấp huyện, Mặt trận huyện đã tổ chức giám sát Phòng LĐ-TB&XH huyện. Trong quá trình rà soát, phát hiện còn sót lại 6 đối tượng chưa chi trả; Phòng LĐ-TB&XH huyện đã trình Sở LĐ-TB&XH, UBND tỉnh phê duyệt bổ sung để chi trả trong đợt 2. Chúng tôi cũng tiến hành giám sát tại 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, phát hiện trùng 18 đối tượng”.

Lắng nghe và chia sẻ với cơ sở

Tại các buổi giám sát, đặc biệt là các buổi giám sát ở cấp xã, 2 đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có dịp lắng nghe nhiều chia sẻ, tâm tư của những người làm công tác xét duyệt, giám sát tại cơ sở. Trong quá trình triển khai một chính sách an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ như thế này, rất nhiều những câu chuyện từ thực tế làm những người thực thi chính sách trăn trở.

Ông Lê Quang Chân, Trưởng khu phố 9, phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn), chia sẻ với đoàn giám sát: “Từ ngày 21.4, chúng tôi vào cuộc theo các văn bản chỉ đạo từ cấp trên. Chủ trương là rất nhân văn nhưng khi triển khai vào thực tế thì lại gặp nhiều vướng mắc. Vì thế, cứ điều chỉnh đi điều chỉnh lại, bổ sung liên tục, cán bộ cơ sở chạy đi chạy lại miết. Mình đi nhiều, hỏi nhiều mà người dân không được hỗ trợ thì họ nói rất khó nghe. Qua khảo sát, tôi nhận thấy còn rất nhiều trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có hoàn cảnh thật sự khó khăn nhưng lại không thuộc diện được hỗ trợ. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ mở rộng ngành nghề, đối tượng được hỗ trợ; cụ thể hóa hơn nữa các văn bản hướng dẫn, biểu mẫu”.

Đây chỉ là một trong rất nhiều những chia sẻ, kiến nghị, những ví dụ cụ thể về khó khăn từ cơ sở. Bà Hồ Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng: “Thông qua hoạt động này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh muốn kiểm tra, đánh giá kết quả công tác giám sát của MTTQ các cấp trong tỉnh đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Đồng thời, thông qua đó để kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám sát của MTTQ các cấp, góp phần đảm bảo việc triển khai các biện pháp hỗ trợ đúng đối tượng, công bằng, chính xác và kịp thời. Đi cùng đoàn có đại diện của các sở, ngành liên quan, nhằm tham gia giải đáp các thắc mắc, trao đổi, hướng dẫn thêm cho cán bộ cơ sở”.

N.M