Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tăng cường công tác giám sát, phản biện

(Mặt trận) -Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là công tác phản biện, giám sát, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo động lực tích cực để phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, không nể nang, né tránh

Để Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Cán bộ giám sát phải bản lĩnh, tâm huyết

 Hội nghị phản biện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức. (Ảnh NAM KHÁNH)

Xác định hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội đã tham mưu trình Thành ủy Hà Nội ban hành các quyết định, chỉ thị, quy chế… về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn, đồng thời phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội hiệp thương lựa chọn nội dung, chương trình giám sát và phản biện xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng Quy chế và tổ chức phản biện xã hội. Từ đầu năm đến nay, MTTQ thành phố đã tổ chức bốn hội nghị phản biện xã hội cho các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố đang được người dân quan tâm như Đề án “Xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”; quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố... Các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 94 hội nghị phản biện xã hội, nội dung tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 735 hội nghị phản biện xã hội vào Dự thảo Nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế-xã hội và các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân ở địa phương.

Đồng thời, với hoạt động phản biện xã hội, hoạt động kiểm tra, giám sát, cũng được mặt trận các cấp tích cực triển khai. Mặt trận thành phố đã chủ động lựa chọn giám sát những vấn đề khó, được nhân dân quan tâm, như giám sát về quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội tại Sở Tài nguyên và Môi trường và ba quận, huyện: Ba Đình, Gia Lâm, Đan Phượng. Giám sát, kiểm tra công tác triển khai lấy phiếu đánh giá sự hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới tại năm huyện: Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên việc kiểm tra, giám sát cũng được Ủy ban MTTQ thành phố linh hoạt về hình thức thông qua kiểm tra, giám sát trực tiếp và gián tiếp qua văn bản. Cụ thể, Mặt trận thành phố đã chủ trì 10 đoàn kiểm tra, giám sát; phối hợp tham gia 40 đoàn kiểm tra, giám sát của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, các sở, ban, ngành. MTTQ cấp huyện, xã đã chủ trì và tổ chức 1.680 đoàn giám sát. Các Ban Thanh tra nhân dân đã thực hiện giám sát 4.956 vụ việc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia giám sát 2.594 công trình, dự án. Ngoài ra, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn phối hợp giám sát trên các lĩnh vực: Quản lý trật tự xây dựng (3.172 vụ), quản lý đất đai (858 vụ), thực hiện dân chủ ở cơ sở (1.519 vụ) và 494 vụ việc ở các lĩnh vực khác.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định: Thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu. Qua đó, góp phần tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, động viên nhân dân tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy, trong hoạt động phản biện, giám sát vẫn còn một số nơi việc tiếp thu và phản hồi của chính quyền đối với các góp ý, phản biện xã hội của Mặt trận chưa kịp thời, chưa giải trình rõ lý do những nội dung không điều chỉnh, có nơi không có phản hồi với mặt trận.

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị Thủ đô. MTTQ thật sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của thành phố.

Đà Đông