(Mặt trận) -Thời gian qua, công tác phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp tỉnh Lạng Sơn ngày càng được tăng cường, trở thành hoạt động thường xuyên và có tác động thực tế, hiệu quả được nâng cao.
Ông Nguyễn Sơn Lâm, Trưởng Ban Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, uỷ ban MTTQ các huyện, thành phố đều có văn bản gửi cấp ủy, chính quyền cùng cấp đề nghị thông báo các nội dung cần phản biện. Phản biện xã hội có các hình thức như: tổ chức hội nghị phản biện; gửi dự thảo văn bản được phản biện đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến. Trước khi tổ chức, MTTQ mời và đặt bài phản biện của các chuyên gia, những người nắm chắc kiến thức, am hiểu về lĩnh vực liên quan. Sau các cuộc phản biện, MTTQ tổng hợp các ý kiến, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản nghiên cứu, tiếp thu và có thông báo trở lại để MTTQ nắm, phục vụ công tác tuyên truyền.
|
Đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị PBXH về dự án phố đi bộ, do Ủy ban MTTQ thành phố Lạng Sơn tổ chức (tháng 6/2020) |
Tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Ủy ban MTTQ tỉnh – một trong những người thường xuyên được mời tham gia phản biện cho biết: Trước các cuộc phản biện, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu dự thảo các chương trình, kế hoạch của tỉnh để góp ý. Cùng đó, có sự đánh giá, nhìn nhận lại các chương trình trước đây để góp ý rút kinh nghiệm, làm tốt công tác hoạch định, quy hoạch về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong tương lai…
Cũng như Tiến sỹ Ninh, những người được mời phản biện đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, góp ý sâu sắc vào từng nội dung, vấn đề liên quan. Đơn cử, hồi tháng 3/2020, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo Quy định của UBND tỉnh về phân cấp quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Các ý kiến tập trung đề nghị xem xét ban hành quy định theo hướng tích hợp, tránh một nội dung lại ban hành nhiều văn bản.
Ông Phạm Công Anh, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cho biết: Sau khi tiếp thu ý kiến trên, sở cùng các ngành liên quan tổ chức họp bàn, thống nhất trình UBND tỉnh xem xét quyết định ban hành văn bản tích hợp chung, quy định cụ thể về trách nhiệm cho từng đơn vị. Quy định này được ban hành ngày 14/8/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020.
Hay tại hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo “Phương án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức ngày 19/8/2020, đã nhận được nhiều ý kiến. Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, có sự đào sâu, nghiên cứu, thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển chung của tỉnh. Chúng tôi đã tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo, trình UBND tỉnh ban hành trong thời gian tới.
Trong 5 năm trở lại đây, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức được 32 cuộc phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức phản biện đối với 12 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức phản biện xã hội đối với 7 dự thảo văn bản của UBND tỉnh, thu được trên 50 ý kiến, chủ yếu về: sự cần thiết, sự phù hợp ban hành văn bản; tính đúng đắn, tính khoa học, tính khả thi…
Ông Nông Dương Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn cho biết: Công tác giám sát và phản biện xã hội là hoạt động quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục bám sát tình hình thực tế tại địa phương, nắm bắt dư luận xã hội, lựa chọn nội dung để tổ chức phản biện phù hợp, hiệu quả. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh…
HOÀNG HUẤN