Tư chất đạo đức đảng viên hiện nay

(Mặt trận) - Là một Đảng lãnh đạo, cầm quyền, trước những trọng trách mới và thách thức hiện nay, Đảng ta đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đó cũng chính là xây dựng sức mạnh nội sinh bền vững của cách mạng, bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng không có mục đích nào khác ngoài mục đích xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh và hạnh phúc của Nhân dân.

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án, 2 vụ việc

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đông Hà nâng cao chất lượng phản biện xã hội

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng 

Chưa bao giờ như hiện nay, lịch sử phát triển của thế giới và đất nước là lịch sử của sự phát triển ngắn hạn, nhất là về kinh tế. Có thể đạt được sự tăng trưởng, thậm chí nhảy vọt về kinh tế, chỉ trong vài chục năm, nhưng, chưa thấy một quốc gia, dân tộc phát triển nào phát triển bền vững và nhân văn lại buông lơi văn hóa, trong đó lại buông lơi văn hóa và nghèo nàn về đạo đức xã hội.

Một dân tộc sẽ không thể gọi là dân tộc hoàn thiện, khi không coi trọng văn hóa, trực tiếp là đạo đức xã hội không tương dung, dù kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng kinh ngạc nhất thời nào đó. Kinh nghiệm lịch sử của những quốc gia hoạch phát, hoạch tàn về kinh tế và xã hội đều cho thấy, họ thường thiếu một triết lý văn hóa về phát triển, cụ thể hơn là một nền đạo đức của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn.     

Xây dựng Đảng về đạo đức - điểm đột phá mới mẻ, quan trọng

Là một Đảng lãnh đạo, cầm quyền, trước những trọng trách mới và thách thức hiện nay, Đảng ta đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đó cũng chính là xây dựng sức mạnh nội sinh bền vững của cách mạng, bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng không có mục đích nào khác ngoài mục đích xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh và hạnh phúc của Nhân dân. 

Do đó, hơn hết lúc nào, hiện nay, trước những nguy cơ hiện hữu, những tổn thất khôn lường đe dọa vận mệnh đất nước, chế độ XHCN và sức sống của Đảng (tệ tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực, tư duy nhiệm kỳ, tệ lãng phí…)  chính là do sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm xã hội nhức nhối, lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước bị giảm sút nghiêm trọng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bị xâm hại… đang đặt trước chúng ta những vấn đề nan giải. Sức mạnh nội sinh của đất nước, vì thế, nguy cơ cũng bị xâm hại.

Khi Đảng lãnh đạo, cầm quyền, quyền lực ở nơi này, người kia đang bị tha hóa, bởi những cá nhân được trao quyền. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi lòng dạ họ không còn trong sáng nữa, họ không thường xuyên tự tu dưỡng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng… đã làm cho tình hình phức tạp và nguy hiểm; đến lượt mình, họ cũng tự chuốc lấy những sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức và bị đào thải, và chúng ta mất cán bộ, uy tín chính trị của Đảng bị xâm hại.

Những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" cho thấy, khi Đảng ta giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khi đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng gương mẫu đi đầu thì niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được giữ vững, củng cố và tăng cường. Và, sức mạnh của cách mạng vì thế được khơi nguồn, giữ gìn, phát huy cao nhất.

Thực tiễn ấy khẳng định việc xây dựng Đảng về đạo đức phải là một trong những lĩnh vực cơ bản, một trong những giải pháp chủ yếu và quan trọng để củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết nhân dân và đoàn kết quốc tế, trực tiếp xây dựng, nhân lên sức mạnh nội sinh của cách mạng. Và, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25.10.2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"  là sự tiếp tục tự nhiên vấn đề cơ bản, nhu cầu tự nhiên đó.

Xây dựng Đảng về đạo đức là điểm đột phá mới mẻ, công việc rất quan trọng. Nó góp phần quyết định hoàn thiện bản chất của Đảng, phát triển công tác xây dựng Đảng ở tầm mức mới cả về định tính và định lượng, ở quy mô và tính chất, nhằm không ngừng nâng cao sức sống, bảo đảm sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu "xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức" trở nên hoàn bị, hài hòa và thiết thực, ngang tầm vị thế và trách nhiệm lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Đạo đức là những chuẩn mực giá trị được hình thành một cách khách quan trong xã hội, có tác dụng chi phối hành vi của con người. Đạo đức của Đảng ta là đạo đức cách mạng. Đó là đạo đức mang bản chất giai cấp công nhân, phát triển trên nền móng đạo đức dân tộc Việt Nam từ truyền thống tới hiện đại và thâu hóa tinh hoa văn hóa nhân loại.

Đạo đức cách mạng là nền tảng, là vấn đề cốt lõi chi phối toàn bộ hoạt động, mục tiêu, lý tưởng chính trị và phẩm chất chính trị của Đảng nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng nói riêng. Xây dựng về đạo đức trong công tác xây dựng Đảng tự nó trở nên hết sức quan trọng, xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Đạo đức là gốc của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, làm cách mạng là công việc to tát, nếu không có đạo đức thì làm sao làm nổi; làm sao lãnh đạo được nhân dân. Người dạy, Đảng ta là đạo đức, là văn minh và phải là Đảng đạo đức, Đảng văn minh. Như vậy, vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng phải được coi là vấn đề rất quan trọng, phải được quan tâm xứng đáng và ngang tầm trọng trách trong tất cả các giai đoạn cách mạng.

 Vấn đề đạo đức có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức hay kinh tế, xã hội, ngoại giao, an ninh, quốc phòng. Mục tiêu chính trị của Đảng ta là gì, nếu không phải là vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Đó là lý tưởng chính trị. Vì lý tưởng cao cả đó, biết bao chiến sĩ cộng sản đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đó chính là đạo đức chính trị. Mục đích cao nhất của đạo đức chính trị của Đảng Lao động Việt Nam gọn gồm 8 chữ: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Trung với nước, hiếu với dân là một phẩm chất đạo đức, đồng thời là lý tưởng chính trị của những đảng viên chân chính, về tư tưởng chính trị. Tư tưởng đạo đức không chỉ thể hiện nhận thức đúng đắn về các giá trị đạo đức, mà còn chi phối hành động đạo đức. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, không thể không quan tâm đến xây dựng tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng về tổ chức, dù hàng vạn chi bộ hay cơ sở đảng, hàng triệu đảng viên nhưng được tổ chức chặt chẽ, để Đảng trở thành một khối thống nhất như “cha con một bụng”, trăm người như “huynh đệ một nhà”, “muôn cành chung một cội”. Để tạo nên một tổ chức như vậy, không thể chỉ quan tâm đến các nguyên tắc, dù cực kỳ căn bản, mà coi nhẹ hoặc lãng quên giáo dục đạo lý, tình thương, lẽ phải… tức là đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đó là đạo đức chính trị và một nền chính trị đạo đức.

Đối với Đảng ta, đạo đức chính là chính trị. 

Yếu tố đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh về đạo đức đã nằm trong tất cả các hoạt động xây dựng Đảng, trong mục tiêu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Không phải ngẫu nhiên, suốt gần 50 năm, ngay từ “Tư cách của người cách mạng" ở tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927) và trong “Mười hai điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính” ở tác phẩm ‘Sửa đổi lối làm việc" (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Và, trong Di chúc (năm 1969), Người vẫn căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".

Đạo đức của Đảng biểu hiện tập trung ở mục tiêu, lý tưởng chính trị và hành động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đó là tiên phong thực hiện sứ mệnh giải phóng con người, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người. Từ mục tiêu, lý tưởng đó, toàn Đảng và từng cán bộ, đảng viên trong mọi suy nghĩ và hành động phải quán triệt và thấm nhuần sâu sắc phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". Thời kỳ phát triển mới của đất nước, hơn lúc nào hết, đòi hỏi tư duy về phát triển, hoạch định chính sách phát triển đều phải tự nó hàm chứa và thấm đẫm yếu tố đạo đức và văn hóa. Mọi quyết sách của Đảng về sự phát triển đất nước tự nó phải mang tính chính trị và văn hóa trước khi là một quyết sách về kinh tế hay phát triển công nghệ đơn thuần. Phát triển kinh tế - xã hội vừa phải được định hướng chính trị, vừa được bảo đảm bởi sức mạnh đạo đức và văn hóa, trước hết là đạo đức, văn hóa của Đảng trong điều kiện của một đảng lãnh đạo, cầm quyền. Đó là yêu cầu tất yếu của mục tiêu phát triển đất nước bền vững, dưới ngọn cờ của Đảng. Đó là đạo đức chính trị trong kinh tế một cách nhân văn.

Đối với Đảng ta, đạo đức lại là kinh tế.

Đạo đức của Đảng nói chung và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, là tư chất của Đảng. 

Từ thực tiễn suốt 93 năm lịch sử của Đảng, không phải tới Đại hội XII, Đảng mới đề cập đến vấn đề rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên, và công việc này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt phải đặc biệt quan tâm, qua từng kỳ đại hội. Và, tùy vào tình hình, mức độ và yêu cầu thực tiễn đặt ra trong từng giai đoạn, từng nhiệm kỳ để Đảng xác định cụ thể về nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức. Bởi lẽ, đạo đức là "cái gốc" để tạo nên sức mạnh chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh.

Đối với Đảng ta, chính trị, ngoại giao là đạo đức!

Từ khi ra đời, nhất là hơn 78 năm cầm quyền, Đảng ta trở thành người đồng chí, người bạn của hơn 80 đảng cộng sản và công nhân, các đảng cầm quyền và liên minh các đảng cầm quyền khắp các châu lục, đầy tin cậy và tôn trọng; dưới ngọn cờ của Đảng, nước ta đặt mối giao hảo chính trị, hợp tác toàn diện ở các tầm mức khác nhau, với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tình bạn thủy chung, đối tác tin cậy… Vị thế chính trị quốc gia, nhờ đó, được khẳng định và uy tín chính trị dân tộc không ngừng được nâng cao. Nền tảng làm nên và là riềng mối bảo đảm các mối quan hệ chính trị ấy là gì, nếu không phải là tình hữu ái nhân loại, tình đồng chí, tình bầu bạn… nghĩa là đạo đức chính trị nhân văn Việt Nam!

Thêm một lần nữa, càng rõ ràng: Đối với Đảng ta, chính trị, kinh tế hay ngoại giao suy cho tới cùng là đạo đức!

Xây dựng, phát triển nền móng đạo đức xã hội, trước hết là đạo đức đảng viên, để Đảng thực sự là biểu tượng của văn hóa Việt Nam

Đạo đức là yếu tố làm nên sức mạnh chính trị của Đảng, tạo ra sự hấp dẫn của Đảng đối với Nhân dân ta, bạn bè, đồng chí quốc tế và làm cho Đảng trở thành một Đảng chân chính, vĩ đại, ngang tầm và xứng đáng với Dân tộc. Đặc biệt, khi Đảng trở thành một đảng cầm quyền, hơn thế nữa, lại cầm quyền trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, thì không chỉ là tầm nhìn, trí tuệ, nhất là việc phát triển không ngừng đạo đức, bắt đầu từ mỗi đảng viên, là công việc vừa mang tính cấp bách, trước mắt vừa thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa thành bại, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vùa là người "đày tớ" thật trung thành của Nhân dân vừa là "đứa con nòi" của Dân tộc. 

Phải thừa nhận rằng, trước tình hình mới, đặt vấn đề và xử lý vấn đề như thời gian vừa qua, vẫn chưa ngang tầm và chưa đủ mức với sự phát triển của Đảng, yêu cầu phát triển của đất nước, nhịp bước cùng thời đại. Và, Đại hội XII của Đảng lĩnh nhiệm yêu cầu lịch sử và trọng trách cần phải có của Đảng và quyết định phải: Xây dựng Đảng về đạo đức là công việc ngang hàng trong tổng thể các công việc xây dựng Đảng, chỉnh đốn về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; và rộng hơn, đối với toàn bộ công việc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng từ chính trị, kinh tế tới xã hội, ngoại giao… một cách ngang tầm văn hóa, thấm đẫm nhân văn là do vậy.

Lý tưởng chính trị của Đảng quyện trong đạo đức, trở thành đạo đức chính trị của Đảng; đến lượt nó, đạo đức của Đảng cũng chính là mục tiêu chính trị của Đảng, bảo đảm công cuộc lãnh đạo, cầm quyền nhân văn của Đảng thành công bền vững. Lịch sử xác tín rằng, những người vĩ đại nhất không ai không có đạo đức thật sự nhân bản và ngang tầm.  

Theo đó, tư chất đạo đức của đảng viên hiện nay, cần phải thể hiện trong thực tiễn, tối thiểu những nhân tố sau:

Một là, yêu nước thương nòi, tận trung với Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Kiên định và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới, các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và suốt đời phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. 

Mọi lúc, mọi nơi phải đặt lợi ích của quốc gia, danh dự của dân tộc, lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết; toàn tâm, toàn lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng và hành động làm hại đến vị thế, vai trò của Đảng, sức mạnh và uy tín của đất nước.

Sống hài hòa và tận tụy làm việc trong Nhân dân. Chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; tôn trọng, vai trò, phát huy quyền và phát triển lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Phải được Nhân dân yêu mến, tín nhiệm.

Hai là, tuân thủ, tự cường, đổi mới, sáng tạo             

Chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các quyết nghị của Đảng; gương mẫu thực thi  pháp luật của Nhà nước và điều lệ, quy định của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Giữ vững khát vọng tiến bộ, ý thức tự lực, tự cường, vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất. Dũng cảm đổi mới cách nghĩ, cách làm năng động, sáng tạo theo chức trách và nhiệm vụ vì lợi ích chung.

Chủ động góp phần đẩy nhanh và bảo vệ đất nước hội nhập quốc tế, thiết thực xây dựng cộng đồng quốc tế hòa bình, ổn định và tiến bộ. 

Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công tư

Cần cù, tận tụy, tâm huyết và trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Tiết kiệm, không xa hoa, không lãng phí. Trung thực, công tâm, khách quan và luôn đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết.

Giữ gìn trong sạch, không quan liêu, không tham nhũng, lãng phí, không tư lợi cô độc, không vụ lợi hẹp hòi, không cơ hội a dua, không sa vào lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích. 

Không giấu giếm khuyết điểm, không a dua bè phái, không nói trái sự thật, không tập trung độc đoán, không dân chủ giả hiệu; kiên quyết phê phán cái sai, kiên trì sửa cái lạc hậu; dũng cảm bảo vệ lẽ phải và bảo vệ người tốt. 

Bốn là, đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm

Nêu cao ý thức, trách nhiệm xây dựng, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân, trước hết là ở chi bộ, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Nghiêm chỉnh và thành tâm thực hiện nguyên tắc hoạt động của Đảng, trước hết nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thật sự yêu thương đồng chí, đồng sự, giúp nhau cùng tiến bộ; thành thực yêu mến đồng bào, sống sống thủy chung tình nghĩa. 

Không đố kỵ, tỵ hiềm, không lợi dụng chức vụ, cương vị để tư lợi cá nhân, vụ lợi phường hội. Không bị tác động xấu, không bị cám dỗ, lôi kéo… Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cục bộ, bè phái, bản vị địa phương, gây mất đoàn kết nội bộ.

Năm là, tiền phong, gương mẫu, tự soi, tự sửa                                          

Đi đầu trong việc mới, việc khó, tự tu dưỡng và hoàn diện nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực tổ chức sáng tạo thực hiện hiệu quả đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nêu gương về học tập, lao động, công tác và cuộc sống hàng ngày, ở nơi làm việc, nơi cư trú và nơi đi công tác. Giữ chức vụ càng cao càng phải nêu gương; cấp trên gương mẫu trước cấp dưới; cấp ủy gương mẫu trước đảng viên; đảng viên gương mẫu trước Nhân dân. Nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm.

Thành tâm và nghiêm khắc tự soi, tự sửa, khiêm tốn, cầu thị; đề cao tự trọng, giữ gìn danh dự; chống mọi biểu hiện làm tổn hại tới danh dự của bản nhân, sức mạnh và uy tín của tổ chức đảng. Xây đi đôi với chống; bảo vệ đất nước, bảo vệ Đảng và bảo vệ Nhân dân.

Trong bối cảnh mới, từ yêu cầu thực tiễn sau 37 năm đổi mới càng đòi hỏi cấp bách, chưa bao giờ như bây giờ, trên lộ trình phát triển, phải bảo đảm sự cân bằng và hài hòa một cách toàn diện giữa các phương diện phát triển chính trị - kinh tế - văn hóa và xã hội, chúng ta cần kiến tạo và thực thi một triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Việt Nam.

Nghĩa là, phải vươn tới xác lập một nền văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân vănvới nền tảng là bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại - và xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số - và môi trường sinh thái phát triển hài hòabảo đảm sự ổn định toàn vẹn nền chính trị đất nước, trong thời đại ngày nay. Do đó, trước hết và sau cùng, càng cần phải xây dựng và phát triển nền móng đạo đức xã hội, đạo đức công dân, trước hết là đạo đức của mỗi đảng viên, để Đảng thực sự là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam.

Một cách tự nhiên như nhiên, đảng viên của một Đảng lãnh đạo, cầm quyền, nếu đạo đức kém hay không có đạo đức, nhất định tối thiểu sẽ không thể xứng đáng làm người chân chính, càng không thể thuyết phục và dẫn dắt được ai.