Triệu Sơn: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể

(Mặt trận) -Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 30-12-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa (khóa XVIII) về 'Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020', những năm qua, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng sát cơ sở, lấy cơ sở làm trung tâm, là nơi triển khai các hoạt động, phong trào thi đua... Từ đó, tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

 Mô hình sản xuất khoai môn tím tại xã Dân Lý cho hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, cho biết: Điểm nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của huyện Triệu Sơn là việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, chủ động thực hiện các công trình, phần việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc ở cơ sở. Các hoạt động vì người nghèo được đông đảo các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, tham gia hàng năm, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài huyện tham gia.

Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến tháng 6-2021, MTTQ các cấp đã vận động Nhân dân hiến 132.000m2 đất, đóng góp 12.000 ngày công; tu sửa, làm mới 330 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 127 nhà văn hóa, tổng số tiền huy động nguồn lực từ Nhân dân để xây dựng các công trình phúc lợi là 560 tỷ đồng. Quỹ “Vì người nghèo” cấp xã và huyện đã vận động được trên 5 tỷ đồng, đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa được 240 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 5,9 tỷ đồng. Thực hiện Đề án “Xóa nghèo bền vững dựa vào cộng đồng” do Thường trực Ủy ban MTTQ huyện xây dựng, đến nay toàn huyện đã thành lập được 20 câu lạc bộ (CLB) tại 10 xã với 1.216 thành viên, trong đó số hộ nghèo và cận nghèo là 868 hộ, chiếm 71,4%; số tiền để hỗ trợ các hộ vay đầu tư vào sản xuất là 2 tỷ đồng. Sau hơn 5 năm tổ chức thực hiện, số hộ nghèo trong các CLB giảm còn 49/868 hộ (bằng 5,64%). Các hoạt động giúp đỡ người nghèo của MTTQ các đoàn thể đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 2,94%.

Thông qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các mô hình, điển hình, nhiều đoàn viên, hội viên đã tích cực đi đầu trong phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào của đoàn, hội, tiêu biểu: mô hình trồng dưa trong nhà màng tại xã Minh Sơn (0,6 ha), Vân Sơn (0,5 ha); trồng rau an toàn trong nhà lưới tại xã Tiến Nông (0,7 ha), xã Dân Lý (0,5 ha); trồng mít Thái Lan trên đất đồi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại xã Hợp Lý (5 ha); trình diễn giống lúa mới tại Thọ Bình, Minh Sơn, thị trấn; các mô hình sử dụng phân vi sinh tại Thọ Bình, Minh Sơn và Tiến Nông; các mô hình liên kết sản xuất chuỗi lúa tại Đồng Thắng, Đồng Lợi, Thái Hòa; mô hình HTX dịch vụ môi trường tại xã Hợp Thành; mô hình sản phẩm chè, mật ong tại xã Bình Sơn; mô hình nuôi trồng thủy sản của cựu chiến binh Lê Văn Hữu tại xã Xuân Thọ; mô hình tổ an ninh tự quản và tổ hội viên cựu chiến binh bảo vệ môi trường sông, hồ tại xã Dân Lý và mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Đỗ Văn Rây tại xã Đồng Tiến. Thông qua phát triển các mô hình phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo..., tạo đồng thuận xã hội, củng cố quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Các chương trình phối hợp giữa MTTQ, các đoàn thể chính trị với chính quyền, các tổ chức thành viên cũng đã có nhiều đổi mới, đi vào hoạt động có nền nếp đem lại những hiệu quả thiết thực. 100% các xã, thị trấn đã xây dựng được quy chế phối hợp công tác giữa MTTQ, các tổ chức thành viên với HĐND, UBND cùng cấp. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được các đơn vị thực hiện theo chương trình công tác hàng năm. Giai đoạn 2016-2021, MTTQ và các đoàn thể đã tổ chức 257 cuộc giám sát, 78 hội nghị phản biện vào các dự thảo nghị quyết HĐND, các đề án, dự án, cơ chế chính sách, 65 hội nghị đối thoại giữa bí thư, chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Nhân dân. Qua giám sát đã góp phần làm giảm đáng kể đơn thư, khiếu kiện, bức xúc, nổi cộm trong Nhân dân.

Với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí trong hệ thống chính trị; thể hiện vai trò nòng cốt trong việc tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, nêu cao trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Hoài Linh