Tình hình công dân khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng

(Mặt trận) - Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/2, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, qua báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với kỳ báo cáo trước.

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, không nể nang, né tránh

Để Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Cán bộ giám sát phải bản lĩnh, tâm huyết

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 962 lượt với 2.201 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 960 vụ việc, trong đó có 557 vụ việc khiếu nại, 93 vụ việc tố cáo, 310 vụ việc kiến nghị, phản ánh và có 56 lượt đoàn đông người, trong đó trong tháng 12/2022, các cơ quan đã tiếp 400 lượt với 1.262 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 399 vụ việc, trong đó có 201 vụ việc khiếu nại, 44 vụ việc tố cáo, 154 vụ việc kiến nghị, phản ánh và có 30 lượt đoàn đông người (so với tháng 11/2022 , giảm 23 lượt với 18 công dân về 21 vụ việc, và 10 lượt đoàn đông người).

Trong tháng 1/2023, các cơ quan đã tiếp 562 lượt với 939 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 561 vụ việc, trong đó có 356 vụ việc khiếu nại, 49 vụ việc tố cáo, 156 vụ việc kiến nghị, phản ánh và có 26 lượt đoàn đông người (so với tháng 12/2022, tăng 162 lượt về 162 vụ việc, nhưng lại giảm 04 lượt đoàn đông người).  

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và trong thời gian diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bất thường và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, lần thứ 3, Quốc hội khóa XV, tình hình khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp, ngoài số công dân (từ 10 - 30 người) khiếu kiện kéo dài, lưu trú dài ngày tại Hà Nội thường xuyên đến nơi ở, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trụ sở các cơ quan Trung ương, trong kỳ báo cáo có 7 đoàn đông người  phức tạp khiếu kiện tại Trung ương.

Đáng chú ý là đoàn 97 người dân tộc thiểu số (Khơ Mú, Thái, Dao) ở 2 huyện Than Uyên và Tân Uyên, tỉnh Lai Châu khiếu nại, tố có liên quan đến việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát và nhóm khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty Cổ phần Shunshine Homes…

Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình, trước Tết nguyên đán, còn khoảng 70 công dân khiếu kiện của 21 địa phương đang lưu trú tại Hà Nội để khiếu kiện kéo dài, Ban Dân nguyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên hệ với UBND các tỉnh, thành phố có các công dân khiếu kiện đông người, phức tạp tại Hà Nội để vận động, hỗ trợ tiền tàu xe cho các công dân trở về địa phương. Tính đến ngày 25/1/2023 (ngày 4 Tết Âm lịch) có 59 công dân đã trở về địa phương, còn 21 công dân khiếu kiện của 08 địa phương vẫn còn lưu trú tại Hà Nội.

Hầu hết các nội dung khiếu kiện của những công dân này đã được chính quyền, tòa án nhân dân các cấp xem xét, giải quyết nhưng công dân không đồng ý.

Ban Dân nguyện cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng và các Tổ công tác của các địa phương trực tiếp đến Hà Nội tiếp, vận động các công dân trở về địa phương nhưng họ không đồng ý và đưa ra các đòi hỏi, yêu sách đối với địa phương; trong đó nhiều công dân tỏ thái độ bức xúc, hoạt động phức tạp, cực đoan, quá khích, mặc dù đã bị cơ quan chức năng xử lý nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.

Trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023, tại một số địa phương đã xảy ra 11 vụ việc vi phạm trong công tác quản lý đất đai, trong đó có 01 vụ việc cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính, 5 vụ việc cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự những người sai phạm, 2 vụ việc cơ quan hành chính cưỡng chế yêu cầu khắc phục hậu quả; 25 vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường, các cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động, yêu cầu khắc phục hậu quả và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó, nổi lên 3 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần các cơ quan chính quyền địa phương có giải pháp để giải quyết dứt điểm trong thời gian tới, cụ thể: Vụ việc liên quan đến vi phạm trong công tác quản lý đất đai tại Nhà máy Điện mặt trời Hồ Tầm Bó của Công ty TNHH Phát triển năng lượng CY và Nhà máy Điện mặt trời Hồ Gia Hoét của Công ty TNHH Đầu tư năng lượng tự nhiên DTD, tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường khi thực hiện Dự án Công viên tưởng niệm Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên, tại xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Dự án đang được triển khai, nhưng người dân liên tục lập chốt chặn xe, cử người canh gác, ngăn cản các xe ra vào công trường, gây mất an toàn giao thông trong quá trình thực hiện Dự án, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường khi thực hiện Dự án Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng, tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Mặc dù dự án đã được điều chỉnh quy hoạch chi tiết lần thứ 4, nhưng người dân vẫn kịch liệt phản đối, yêu cầu chính quyền địa phương dừng thi công vì cho rằng khoảng cách từ nghĩa trang đến khu dân cư sinh sống là quá gần (cách khu dân cư 1000m), nghĩa trang nằm trên đầu gió và đầu nguồn nước nên sẽ gây ô nhiễm cho toàn khu vực dân cư, hiện dự án vẫn chưa triển khai được.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với 4 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự; kịp thời xây dựng báo cáo về công tác dân nguyện hằng tháng, gửi đến Ban Dân nguyện theo đúng thời hạn, để Ban Dân nguyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, lựa chọn, có kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề theo lĩnh vực phụ trách trong chương trình hoạt động năm 2023, trong đó có lồng ghép giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; quan tâm, theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong các báo cáo công tác dân nguyện.

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo giao Ban Dân nguyện tiếp tục theo dõi, giám sát việc giải quyết 2 vụ việc: Vụ việc ông Trần Nhung, trú tại số 3, phố Đường Thành, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; Vụ việc ông Nguyễn Tiến Công và một số công dân, trú tại khu tập thể tổ 3, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ban Dân nguyện, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, khảo sát để đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật về dự án điện gió, nhất là quy định về điều kiện an toàn, quy định về bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dự án để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, chủ đầu tư và người dân bị ảnh hưởng của dự án.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm của Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới và sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đăng kiểm; có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh, sản xuất cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và có chính sách giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ hỗ trợ chính sách đào tạo nghề (từ quỹ bảo hiểm xã hội), tìm kiếm việc làm mới cho công nhân lao động bị mất việc, tạm nghỉ việc; bổ sung hành lang pháp lý để loại hình du lịch homestay, farmstay vận hành và phát triển phù hợp hơn; tiếp tục đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội những tháng đầu năm, kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội trên cả nước; giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản; có giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng “cò bệnh viện” tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho người bệnh tại các Bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh của Thành phố...

Chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Tư pháp Trung ương và các cơ quan có liên quan sớm có kết luận đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để hoàn trả tiền mua trái phiếu của các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Phú Thọ khẩn trương giải quyết dứt điểm đối với 3 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khảo sát để đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn an toàn công trình điện gió.

Chỉ đạo UBND TP Hà Nội khẩn trương giải quyết dứt điểm 2 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, kéo dài: Vụ việc ông Trần Nhung, trú tại số 3, phố Đường Thành, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; Vụ việc ông Nguyễn Tiến Công và một số công dân, trú tại khu tập thể tổ 3, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội.