'Tiếp sức' cho giáo dục Thủ đô

(Mặt trận) -Ngày 26/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định mức hỗ trợ thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn

MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái giám sát sâu từng lĩnh vực của đời sống

Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp, không nể nang, né tránh

 Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội phát biểu.

Đề xuất tăng 1,5 lần

Theo Tờ trình của UBND Thành phố, hiện nay trên địa bàn các quận, huyện, thị xã có 7 cơ sở giáo dục mầm non công lập tại các xã thuộc vùng khó khăn; 5.312 trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp; 480 giáo viên mầm non đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp là đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ.  

Nghị định số 105/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2020, trong đó cơ bản đã quy định chi tiết chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non, chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non để địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, tại điểm a khoản 3 Điều 4, khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 10 quy định mức tối thiểu hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã thuộc vùng khó khăn; hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp chưa có sự hỗ trợ tương xứng.

Để có cơ sở triển khai thực hiện, cần thiết ban hành quy định cụ thể về mức hỗ trợ thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội. 

Trên cơ sở mức thu nhập bình quân đầu người một tháng của Hà Nội gấp 1,5 lần so với cả nước, UBND TP đề xuất mức hỗ trợ thực hiện một số chính sách bằng 1,5 lần mức tối thiểu quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Cụ thể, hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ là 3,6 triệu đồng/1 tháng/45 trẻ em. Số dư từ 20 trẻ trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 5 lần mức hỗ trợ nêu trên/1 tháng.

Hỗ trợ trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định có cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với mức hỗ trợ là 240.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế nhưng không quá 9 tháng/1 năm.

Tạo đà cho giáo dục mầm non phát triển

Ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên HĐTV Dân chủ và Pháp luật cho biết, qua khảo sát thực tế tại huyện Đông Anh nơi có khu công nghiệp lớn của cả nước cho thấy mặc dù Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ chỉ ghi chính sách đối với cơ sở mầm non đang hoạt động tại khu công nghiệp, tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội ngoài 9 khu công nghiệp tập trung còn có các khu công nghiệp nhỏ lẻ cũng được quyết định thành lập cơ quan có thẩm quyền. “Để thống nhất trong triển khai thực hiện cần ghi rõ là khu công nghiệp tập trung để triển khai thực hiện cho dễ", ông Vĩnh cho hay.

 Đại biểu phát biểu tại Hội nghị phản biện.

Ông Phạm Lợi, Chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa – Xã hội nhận định, đây là chủ trương có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, tạo điều kiện cần thiết cho sự nghiệp giáo dục mầm non, sự nghiệp giáo dục đào tạo của Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Chủ trương này sẽ được công nhân, lao động và nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cần có các bước nghiên cứu để hoàn thiện thêm theo yêu cầu của sự nghiệp giáo dục của từng địa phương nên cần có một cơ chế đặc thù để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Ủy ban MTTQ thành phố và các tổ chức thành viên cần tuyên truyền trong nhân dân thực hiện đúng Nghị quyết, giám sát việc thực hiện Nghị quyết đúng đối tượng, đúng quy định. 

Ở góc độ khác, ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, trong quá trình chuẩn bị và xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo đã tiến hành khảo sát, lắng nghe ý kiến đóng góp từ cơ sở, ý kiến trong ngành, của chính quyền địa phương, ý kiến của đông đảo giáo viên mầm non ở cơ sở…

Điều đó cho thấy cơ quan soạn thảo đã coi trọng và phát huy dân chủ trong quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, ông Thảo cũng băn khoăn về nội dung và mức hỗ trợ cho các “cô nuôi” trong các trường, lớp mầm non ở các xã còn khó khăn là quá thấp. Do đó cần phải có cơ chế tăng mức hỗ trợ sao cho hợp lý. 

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương trân trọng ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các đại biểu, đồng thời cho rằng nếu Nghị quyết này được thông qua trong Kỳ họp HĐND sắp tới thì sẽ khắc phục được tình trạng Nghị định chờ hướng dẫn. Nghị định này thể hiện tính nhân văn và tính nhất quán trong thực hiện chính sách của thành phố, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu những chính sách toàn diện hơn nữa về lĩnh vực giáo dục đào tạo của Thủ đô. 

Bà Nguyễn Lan Hương cũng khẳng định, đối với điều kiện ngân sách hiện nay, lựa chọn phương án tăng gấp 1,5 lần so với Nghị định 105/2020/NĐ-CP là hợp lý. Những ý kiến tâm huyết của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ để gửi tới cơ quan soạn thảo chính sách. 

N.Phượng