(Mặt trận) - Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo vệ kỷ cương xã hội là mối quan hệ lớn thứ mười được Đại hội XIII của Đảng bổ sung. Đây là mối quan hệ lớn có ảnh hưởng rộng lớn đối với mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tính ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam, đồng thời có vai trò quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các đại biểu tham quan phòng truyền thống của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao_Ảnh: TTXVN |
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, là thuộc tính tự nhiên, vốn có của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước đề cao vai trò của pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội, trong đó Nhà nước và xã hội được tổ chức và hoạt động trên cơ sở một hệ thống pháp luật “đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”(1) và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán nhằm bảo đảm công lý và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Pháp chế xã hội chủ nghĩa là chế độ thực hiện pháp luật nghiêm, triệt để, chính xác và không có ngoại lệ của mọi chủ thể pháp luật. Như vậy, để có pháp chế xã hội chủ nghĩa cần phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đòi hỏi mọi chủ thể trong xã hội phải thực hiện pháp luật đúng, nghiêm, triệt để, chính xác và mọi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định. Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, cần thiết phải nhận thức đầy đủ, nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở những khía cạnh căn bản sau:
Thứ nhất, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội luôn có tính thống nhất và quan hệ mật thiết, tạo tiền đề, cơ sở cho nhau cùng vận hành và phát triển. Nền dân chủ trong đời sống xã hội càng cao thì nhà nước pháp quyền và nguyên tắc pháp chế càng được củng cố và hoàn thiện, kỷ cương xã hội được bảo đảm và giữ vững. Kỷ cương xã hội là kết quả, là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Để có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cần phải có pháp chế xã hội chủ nghĩa; để có pháp chế xã hội chủ nghĩa thì cần phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Hệ thống pháp luật càng hoàn thiện bao nhiêu thì pháp chế càng cao bấy nhiêu. Tuy nhiên, không phải cứ có pháp luật là có pháp chế. Nhà nước nào trong lịch sử cũng đều sử dụng pháp luật, nhưng pháp chế chỉ có trong nhà nước tư sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước chủ nô, phong kiến không có pháp chế vì pháp luật không nghiêm, theo kiểu “lễ nghi không đến thứ dân, hình phạt không đến trượng phu”, chỉ bảo vệ lợi ích độc tôn của giai cấp thống trị, cưỡng bức quần chúng tuân thủ. Có thể thấy, pháp luật là tiền đề, cơ sở pháp lý để thực hiện dân chủ và dân chủ được thi hành trong khuôn khổ của pháp chế thì mới bảo đảm được kỷ cương xã hội.
Thứ hai, thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội phải đặt trong mối quan hệ với thiết chế nhà nước, cụ thể là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bởi lẽ không thể có một nền dân chủ tồn tại bên ngoài Nhà nước và Nhà nước chính là chủ thể ban hành pháp luật và duy trì pháp chế. Dân chủ là dân là chủ, dân làm chủ và trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải tăng cường thực hành dân chủ thực chất và rộng rãi, tránh cả hai thái cực là dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, vô chính phủ. Nhà nước với vai trò là thiết chế kiến tạo điều kiện, môi trường cho thực hành dân chủ, do vậy, nó không còn là chủ thể quản lý bằng mệnh lệnh, bằng chức năng thống trị, mà phải vươn lên để trở thành nhà nước phục vụ, đặt người dân ở trung tâm của mọi hoạt động và tổ chức của Nhà nước, sự hài lòng của người dân là thước đo về thực hành dân chủ chính xác nhất. Chính vì vậy, thực hành dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội luôn phải gắn liền với sự kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, của Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật… Bộ máy nhà nước hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì sẽ có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Thứ ba, thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội phải được bảo đảm trên cơ sở hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, nhất là dựa vào nhân dân. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực của Nhà nước là xuất phát từ nhân dân, điều này được khẳng định tại khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”, nghĩa là chủ thể của quyền lực nhà nước là nhân dân, nhân dân ủy quyền cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước để thực hiện quyền lực của mình. Do vậy, nhân dân có quyền giám sát chủ thể thực hiện quyền lực của mình bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau. Kiếm soát quyền lực nhà nước luôn có vai trò của nhân dân nhằm chống lạm quyền, lộng quyền hay tha hóa quyền lực của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, nhân viên nhà nước. Nhà nước gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Nhà nước hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu ban hành các văn bản của Đảng, văn bản pháp luật để thể chế hóa cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng(2), cũng như của Nhà nước, do nhân dân thực hiện, để bảo đảm phương châm dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực, là phương thức hữu hiệu nhất trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Cơ chế này đòi hỏi phải thể chế hóa vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Mặt khác, xây dựng hệ thống pháp luật cho phép các bộ phận bên trong của Đảng, Nhà nước có thể giám sát, chế ước lẫn nhau, hay còn gọi là kiểm soát nội bộ.
Thứ tư, thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội phải được bảo đảm trên cơ sở đổi mới, đa dạng hóa tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nhân dân thực hiện quyền làm chủ không chỉ bằng Nhà nước, mà còn thông qua các tổ chức của mình. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò to lớn trong việc củng cố, bảo vệ Đảng, Nhà nước, hơn nữa đó là những thiết chế có vai trò quan trọng để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, đồng thời là môi trường, là trường học để nâng cao ý thức, năng lực và nhu cầu dân chủ cho các tầng lớp nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp để tổ chức các diễn đàn tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, từ đó làm cho nhân dân nhận thức đầy đủ hơn, hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp trong việc tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, từ đó xem xét, xử lý, tháo gỡ những vướng mắc mà nhân dân kiến nghị, tạo điều kiện để nhân dân thực hành quyền dân chủ trên cơ sở, khuôn khổ pháp luật, pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn là những thiết chế để các tầng lớp nhân dân tham gia công việc của Nhà nước, quản lý, giám sát hoạt động của Nhà nước, phải đổi mới trên nhiều mặt theo hướng khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” trong tổ chức và hoạt động. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với tính chất quần chúng và những biến động đa dạng về cơ cấu giai cấp - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhân dân thực hiện các quyền dân chủ khi tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giám sát hoạt động của Nhà nước phải bảo đảm các quy định của pháp luật, quy tắc, quy chế của các tổ chức chính trị - xã hội.
Nhà nước Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện hoạt động nhân đạo, phát triển tại Việt Nam. Tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện hoạt động nhân đạo, phát triển tại Việt Nam phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nhân dân tham gia vào các tổ chức này phải bảo đảm các quy định của pháp luật Việt Nam. Đó là một trong những phương thức quan trọng cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng phải bảo đảm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và bảo đảm kỷ cương xã hội.
Thứ năm, thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội phải được thể hiện qua giám sát và phản biện xã hội, tạo dựng thói quen thảo luận, bày tỏ quan điểm, chính kiến của nhân dân về các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Đảng ban hành Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Trên cơ sở đó, Nhà nước cụ thể hóa quy định của Đảng bằng việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Đó là bước tiến quan trọng trong việc phát huy sự tham gia của nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia giám sát và phản biện xã hội.
Thực hiện tốt phương châm “động viên nhân dân tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động tự quản cộng đồng”(3) đánh giá, phản biện và dự đoán các lĩnh vực chuyên biệt của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, dân chủ, tôn giáo, an ninh,… trở thành lực lượng cốt cán và tiên phong trong giám sát và phản biện xã hội. Biện pháp này góp phần khắc phục sự e ngại của các chủ thể khi tham gia phản biện xã hội, cũng như khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi chủ thể để giám sát và phản biện xã hội phải thực sự được coi là một hoạt động có tính khách quan, chuyên nghiệp.
Thiết lập cơ chế phối hợp giữa hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và nhân dân với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử… của các cơ quan nhà nước. Từ cơ chế phối hợp đó, hoạt động giám sát và phản biện xã hội cung cấp thêm những góc nhìn, quan điểm, nguyện vọng từ phía quần chúng nhân dân để Đảng và Nhà nước có những quyết sách đúng đắn, phù hợp nhất và tạo sự đồng thuận xã hội. Mặt khác, hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử… của Nhà nước mang tính quyền lực công với những chế tài xử lý nghiêm minh sẽ góp phần bảo đảm những kết quả giám sát và phản biện xã hội phát huy được giá trị trong thực tiễn.
Bảo đảm cơ chế công khai, minh bạch, mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho các chủ thể giám sát và phản biện xã hội. Công khai hóa, minh bạch hóa là một xu thế tất yếu hiện nay và được các quốc gia trên thế giới ghi nhận và nỗ lực bảo đảm. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội có tính khách quan, phản ánh ý chí, nguyện vọng, kiến nghị của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Để bảo đảm được tính khách quan, trung thực của sự phản biện, cần phải bảo đảm cơ chế công khai, minh bạch thông tin (trừ những thông tin mật ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quyền con người), đặc biệt là những thông tin liên quan đến các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển đất nước và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Quá trình xây dựng chính sách, thể chế, tổ chức của Nhà nước phải được công khai, minh bạch (trừ vấn đề thuộc bí mật quốc gia). Quá trình tiếp thu ý kiến cũng cần được công khai, minh bạch để các chủ thể giám sát và phản biện nắm rõ được ý kiến của mình được tiếp thu và xử lý đến đâu hoặc biết rõ được lý do những ý kiến đó bị từ chối bởi các cơ quan hữu quan. Điều này nhằm khắc phục tình trạng bất cập hiện nay là chủ thể giám sát và phản biện xã hội không biết được cơ quan nhà nước tiếp thu ý kiến đến đâu và những kiến nghị có được giải quyết không, trách nhiệm thuộc về ai,…. Việc bảo đảm công khai, minh bạch thông tin sẽ tạo ra cơ chế lắng nghe, tiếp thu và phản hồi ý kiến một cách thường xuyên và có trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân, bảo đảm việc tham gia ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và nhân dân thực chất, hiệu quả, tránh những sai lệch bởi thông tin không chính thống.
Mở rộng các hoạt động kiểm tra việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Các cơ quan của Đảng và Nhà nước cần tiến hành những hoạt động kiểm tra định kỳ, thường xuyên, đột xuất để nắm bắt được quá trình tiếp nhận, xử lý và tiếp thu ý kiến giám sát và phản biện xã hội của các cấp chính quyền. Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, cơ quan báo chí và nhân dân cần chủ động trong việc theo dõi việc xử lý thông tin phản ánh và sự điều chỉnh hành vi, chính sách từ phía các đối tượng được giám sát và phản biện xã hội. Có như vậy mới thiết lập được kỷ luật, nâng cao trách nhiệm của cả chủ thể và đối tượng được giám sát và phản biện xã hội, kịp thời ngăn chặn những hành vi sai trái, lệch lạc, vi phạm pháp luật trong hoạt động này.
Để nhân dân tham gia giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả thì cần phải có đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Kiên trì thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(4).
Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển đất nước. Thực hành dân chủ phải gắn với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội. Thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm kỷ cương xã hội cần trở thành nền nếp, thành quan hệ ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Đây là yêu cầu, điều kiện quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đồng thời cũng phản ánh tính ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam./.
-------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 175
(2) Nhận thức được quyền lực rất lớn của cấp ủy, Bí thư cấp ủy các cấp trong công tác cán bộ, thời gian gần đây, Đảng ta đã ban hành một số quy định như: Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017, của Bộ Chính trị, “Về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 10-QĐ/TW, ngày 12-12-2018, của Bộ Chính trị “Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ, thường trực cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.
(3) Hoàng Minh Hội: Pháp luật về quyền giám sát trực tiếp của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 8
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 27-28.
Theo Tạp chí Cộng sản