Thoại Sơn phát huy dân chủ cơ sở, tạo đồng thuận trong dân

(Mặt trận) -Thời gian qua, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) tập trung nâng cao hiệu lực thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, tạo được niềm tin, sự đồng thuận, tập hợp các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Theo thời gian, vùng đất “ông Thoại” không ngừng đổi thay, phát triển. Có được thành quả ấy là nhờ cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Thoại Sơn đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Quy chế dân chủ ở cơ sở được tổ chức thực hiện gắn với các phong trào thi đua yêu nước và công tác xây dựng Đảng.

Để việc thực hiện quy chế đi vào chiều sâu, hiệu quả, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã công khai, thông báo để Nhân dân biết các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, những chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, việc sử dụng các khoản huy động, đóng góp của Nhân dân. Trên cơ sở nắm bắt thông tin, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định những công việc quan trọng, thiết thực gắn với lợi ích của mình.

Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức xã, thị trấn luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư, tình cảm, đề xuất, kiến nghị của Nhân dân trong giải quyết các vụ việc phát sinh từ cơ sở. Qua đó, đã tổ chức 306 cuộc họp với 7.650 người dân tham dự. Góp phần nâng cao nhận thức trong Nhân dân về quyền làm chủ của mình, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Năm 2023, cấp xã tiếp nhận 107 lượt phản ánh, kiến nghị, yêu cầu giải quyết; tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở đạt 100%; tỷ lệ giải quyết các hồ sơ thi hành án dân sự đạt 85,22% về việc (vượt 2,42% so chỉ tiêu) và 81,87% về tiền (vượt 6,12%). Hòa giải viên cơ sở luôn tích cực thực hiện hòa giải các vụ việc tranh chấp trong dân, xây dựng tình làng nghĩa xóm, góp phần ổn định trật tự xã hội, hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện quy ước ở khóm, ấp. Đến nay, tất cả 76 khóm, ấp trên địa bàn huyện Thoại Sơn đều có quy ước.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân trong góp ý đối với tổ chức, cá nhân lãnh đạo Đảng, chính quyền, như: Duy trì tốt việc phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân; hội nghị công an lắng nghe ý kiến Nhân dân định kỳ; phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp… Từ đó, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia góp ý đối với tập thể, cá nhân trong quá trình lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước về các lãnh vực kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng tốt hơn.

Năm 2023, huyện Thoại Sơn đã vận động Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội trên 30 tỷ đồng; hoàn thành, đưa vào sử dụng 12 cây cầu giao thông nông thôn (vượt 74,1% chỉ tiêu); nâng cấp hệ thống chiếu sáng bằng đèn led được 20,5km (đạt 100% chỉ tiêu); nâng cấp, mở rộng 13,4km đường giao thông nông thôn (vượt 131% chỉ tiêu). Qua đó, đã góp phần thực hiện an sinh xã hội và giảm nghèo của huyện, khơi vậy tinh thần “Tương thân, tương ái”, nêu cao ý thức người dân trong xây dựng đời sống văn hóa gắn kết với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, tích cực lao động, sản xuất có hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Song song đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc trong các công ty, doanh nghiệp (DN) theo Nghị định 145/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ được huyện quan tâm tổ chức triển khai. Theo đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của các DN ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả; chủ các DN thường xuyên phối hợp với công đoàn trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người lao động hiểu và nắm được quyền dân chủ của mình trong tham gia lao động, sản xuất.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thoại Sơn Lê Hữu Nghị nhấn mạnh, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tích cực thực hiện chủ đề “Hướng về cơ sở”, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp xu hướng phát triển chung của huyện theo phương châm “mới mẻ trong cách nghĩ, sáng tạo trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp”; tiếp tục phát huy dân chủ, tổ chức các diễn đàn lắng nghe dân nói; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ Nhân dân.

PHƯƠNG LAN