Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều kiến nghị của đại biểu tôn giáo đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Sáng 22/02, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi năm 2023 đối với thành viên Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các quận, huyện, TP.Thủ Đức; đại diện các cơ sở tôn giáo, dân tộc trên địa bàn TP.HCM. Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và ông Trần Trung Tính, Chủ nhiệm HĐTV Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đồng chủ trì hội nghị.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn

MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái giám sát sâu từng lĩnh vực của đời sống

Quang cảnh Hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng về những hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật cần bổ sung ủy quyền hoặc nhận ủy quyền thực hiện quyền sử dụng đất nhằm mục đích không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Theo các đại biểu, thực tế đã và đang xảy ra hành vi ủy quyền và được ủy quyền thực hiện quyền sử dụng đất với nội dung ủy quyền thực hiện đầy đủ các quyền sử dụng đất. Như vậy, Nhà nước sẽ thất thu nguồn tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ khi người dân chuyển quyền sử dụng đất nhưng “lách” sang ủy quyền thay vì phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Vinh Huy cho rằng, việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ mang lại lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, việc thu hồi đất còn phải bảo đảm sự ổn định về chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Muốn vậy, Nhà nước cần phải điều tiết, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, đây là động lực của sự phát triển, nếu giải quyết tốt lợi ích kinh tế giữa ba chủ thể này thì sẽ tạo động lực cho sự phát triển của xã hội; ngược lại, chế định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội sẽ là nguyên nhân của những đối kháng và mâu thuẫn xã hội. Do đó, cần tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế xã hội. Đồng chí Nguyễn Vinh Huy kiến nghị cần ban hành quy định xác định rõ những vấn đề, lĩnh vực nào là lợi ích quốc gia, công cộng ở Việt Nam và các tổ chức, cá nhân phải tôn trọng, ưu tiên những vấn đề, trường hợp đó.

Cũng theo ông Nguyễn Vinh Huy, những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược, quy định sự phát triển một vùng, một khu vực, một tỉnh hoặc của cả nước hoặc các công trình công cộng thì thu hồi; còn các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đồng thời, cần làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng, tránh áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hay tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, áp dụng khung giá bồi thường theo thị trường, để giảm bớt thiệt hại cho người dân, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân. Ngoài ra, xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cần cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Do vậy, cần làm của việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định. Do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền gây bức xúc trong nhân dân.

 
Đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Góp ý về các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các đại biểu cho rằng dự thảo thảo Luật quy định các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó bổ sung quy định không miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất tại đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị, dự án có xây dựng nhà ở thương mại, dự án có sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ. Do đó, cần bổ sung quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho một số lĩnh vực ưu đãi đầu tư về cơ sở giáo dục, đào tạo, thể dục, thể thao và miễn tiền thuê đất cho đơn vị sự nghiệp (tự chủ tài chính), đất xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, các công trình, hạ tầng cảng biển, đường sắt, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển kinh tế - xã hội, có lợi cho cộng đồng.

Góp ý về đất tôn giáo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung cho rằng, cần bổ sung quy định về điều kiện quy hoạch đất tôn giáo, theo quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có chỉ tiêu sử dụng đất của loại đất cơ sở tôn giáo. Bà Võ Thị Dung cho rằng, việc thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này chỉ thể hiện khi hiện trạng đã là đất cơ sở tôn giáo. Do đó, việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang đất cơ sở tôn giáo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn (bao gồm cả việc giao mới đất cơ sở tôn giáo do phải di dời, giải tỏa đất cơ sở tôn giáo cũ).

Về việc sử dụng đất của các tôn giáo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, theo báo cáo một số tỉnh thành, tình trạng các cơ sở tôn giáo tự thỏa thuận, thực hiện việc chuyển nhượng, mua bán lại đất của các hộ gia đình, cá nhân, nhận hiến tặng, công đức không đúng quy định khá phổ biến. Bên cạnh đó, một số cơ sở tôn giáo sau khi nhận hiến tặng, chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân đã tự mở rộng chùa, nhà thờ mà chưa thực hiện các thủ tục chấp thuận cho tu bổ, tôn tạo di tích, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do vậy, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo để làm cơ sở thẩm định nhu cầu sử dụng đất, góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng thời, quy định cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất, giao đất cho các tổ chức kinh tế để xây dựng khu du lịch liên quan đến tôn giáo. Bên cạnh đó, cần tách bạch đất sử dụng vào mục đích tôn giáo (không thu tiền sử dụng đất) và đất kết hợp du lịch để sử dụng đất tiết kiệm, tính thu tiền thuê đất đối với đất du lịch dịch vụ, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung các quy định bảo đảm cho đồng bào dân tộc, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ; nên giữ lại việc hòa giải ở UBND xã…

 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Phan Kiều Thanh Hương phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Phan Kiều Thanh Hương cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức ba buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với các thành phần tham gia khác nhau với nội dung khác nhau phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ của các Ủy viên, các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam thành phố, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày 15/3/2023 thông qua đường dẫn trực tuyến: https://bit.ly/gopyluatdatdai để đảm bảo chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng và vì lợi ích Nhân dân, các ý kiến góp ý được tổng hợp đầy đủ, trung thực, kịp thời nhằm đạt được yêu cầu, chất lượng đề ra.