Thanh Hóa: Phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể chính trị - xã hội

(Mặt trận) -Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội, trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh triển khai đồng bộ, nghiêm túc, có hiệu quả công tác giám sát góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Công nhân Nhà máy Sản xuất dây cáp điện ô tô của Tập đoàn THN tại huyện Hà Trung lắp ráp bộ dẫn điện ô tô. 

Nhằm phát huy vai trò giám sát, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp công đoàn thường xuyên giám sát và tích cực phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật; chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn cùng cấp giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Định kỳ hai tháng một lần, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị giao ban với các doanh nghiệp FDI có đông công nhân, lao động nhằm nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của người lao động về việc giải quyết các chế độ, chính sách, đặc biệt là các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp để có biện pháp giải quyết kịp thời.

10 năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì tổ chức giám sát được 22 cuộc về các chế độ, chính sách cho công nhân, viên chức, lao động. Các cấp công đoàn đã tổ chức giám sát 1.417 cuộc; nội dung tập trung giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn, về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, về việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc, công tác bảo hộ lao động, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ môi trường trong đơn vị, doanh nghiệp; việc thực hiện các gói hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Thông qua giám sát, nhiều đề xuất, kiến nghị của công nhân, lao động được Liên đoàn Lao động tỉnh tổng hợp đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp thu, xem xét giải quyết như: Đã phối hợp khôi phục sổ BHXH cho 298 người tại Công ty TNHH MTV Yên Mỹ; đề nghị ngành công an tăng cường bảo đảm an ninh Khu Công nghiệp Hoàng Long; đề nghị Công ty TS Vina chi trả trên 700 triệu đồng tiền nghỉ ốm, thai sản cho công nhân... Liên đoàn Lao động tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm 2 cuộc ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Ivory Việt Nam (huyện Hậu Lộc) và Công ty TNHH Công nghệ thể thao Victory, thị trấn Sao Vàng (huyện Thọ Xuân) để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, giữ vững ồn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tiễn đã chứng minh, trong 10 năm thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát huy hiệu quả. Các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong thực hiện giám sát nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên, như: Hội LHPN đã tổ chức giám sát độc lập được 3.094 cuộc (cấp tỉnh 71 cuộc, cấp huyện 269 cuộc, cấp xã 2.754 cuộc). Nội dung giám sát chủ yếu về thực hiện chế độ, chính sách có liên quan quyền lợi hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; giám sát thực hiện chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn và chính sách xây dựng nhà trẻ ở vùng nông thôn; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các chi hội thuộc các tổ chức chính trị - xã hội thuộc các xã đặc biệt khó khăn” và giám sát một số nội dung liên quan đến hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ theo Luật Bình đẳng giới...

Hay như, đoàn thanh niên, đã tổ chức giám sát độc lập được 1.793 cuộc (cấp tỉnh 45 cuộc, cấp huyện 394 cuộc, cấp xã 1.354 cuộc). Nội dung tập trung giám sát thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác thanh niên trong tình hình mới...

Với chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên và cựu chiến binh, trong 10 năm qua, Hội Cựu chiến binh đã tổ chức giám sát độc lập được 464 cuộc trong đó cấp tỉnh 32 cuộc, cấp huyện, cấp xã 432 cuộc, nội dung giám sát tập trung vào thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương...

Có thể khẳng định, thông qua các công tác giám sát của các đoàn thể chính trị - xã hội đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị làm tốt hơn việc công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Minh Hiếu