Thanh Hóa: Phát huy vai trò của MTTQ trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh

(Mặt trận) -Cùng với việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thời gian qua MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đã triển khai toàn diện và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Qua đó, phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

 Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn MTTQ tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa và tổ chức thành viên thực hiện thường xuyên thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH và HĐND các cấp; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở; tham gia xây dựng các dự án luật, văn bản dưới luật, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền các cấp có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân; phát huy hiệu quả hoạt động của ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Cụ thể, thời gian qua MTTQ đã tổ chức 37 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trước Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh (trong đó có 14 cuộc tổ chức bằng hình thức trực tuyến) với hơn 6.500 cử tri tham dự, có 186 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được ban thường trực MTTQ các cấp tổng hợp, phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND và theo dõi giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trọng tâm là tuyên truyền về pháp luật phòng, chống tham nhũng”, năm 2021 và quý I-2022, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức 1.300 lớp tập huấn về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 129.000 người tham gia; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng... Tập trung làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tiếp 463 lượt công dân; tiếp nhận 684 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Việc làm tốt công tác tiếp công dân đã góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin, tạo cầu nối giữa Nhân dân với chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương.

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của mặt trận các cấp đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nội dung giám sát gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. MTTQ các cấp đã chủ trì, tổ chức 3.219 cuộc giám sát, trong đó trọng tâm về công tác bầu cử, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, việc chấp hành pháp luật tại các cơ sở y tế tư nhân, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Thông qua các cuộc giám sát, các kiến nghị của MTTQ các cấp trong tỉnh đều được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời. Các ban thanh tra Nhân dân trong toàn tỉnh đã giám sát được 1.224 vụ việc, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 786 công trình, dự án. Qua giám sát, đã kiến nghị với chính quyền cơ sở xử lý 137 công trình có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và cộng đồng dân cư.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở được triển khai có hiệu quả. Thông qua công tác hòa giải đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp Nhân dân, góp phần giải quyết các mâu thuẫn nhỏ ở cơ sở, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết nội bộ Nhân dân, làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong công tác phản biện, MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã tập trung phản biện các dự thảo về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. MTTQ các cấp tổ chức 1.361 cuộc góp ý, phản biện đối với các cơ chế, chính sách của tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham gia góp ý đối với 15 dự thảo về các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến đời sống Nhân dân; tham gia phản biện bằng văn bản với 8 dự thảo nghị quyết, tờ trình của HĐND và UBND tỉnh...

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh. Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Bên cạnh đó, mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Với những kết quả đạt được trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị của tỉnh, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Phan Nga