(Mặt trận) -Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; phát huy vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở địa phương.
|
Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện đến từng người dân, Ban công tác mặt trận thôn Phu Huệ (xã Hoàng Giang) đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Ảnh: HUYỀN CHI |
Những con số biết nói
Nhìn lại những kết quả công tác mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền những năm qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới thông qua kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, nội dung, hình thức tổ chức thiết thực. Thông qua đó, đã phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng bộ máy chính quyền của dân, do dân, vì dân và ngày càng vững mạnh; góp phần thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Chỉ tính riêng năm 2022, MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phản biện xã hội đối với 986 dự thảo văn bản của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh; trong đó phản biện bằng hình thức tổ chức hội nghị là 155 cuộc; phản biện thông qua hình thức nghiên cứu văn bản là 831 cuộc. Ngoài ra, trong công tác tham gia xây dựng pháp luật, các quy chế, quy định của chính quyền các cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tổ chức thành viên và Nhân dân, MTTQ các cấp trong tỉnh, tổng hợp 186 văn bản góp ý của các tổ chức thành viên, MTTQ 27 huyện, thị, thành phố và các vị trong Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ tỉnh với 864 ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; 1.348 ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng cao với việc tổ chức 6 hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở về các nội dung công tác giám sát và phản biện xã hội, tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức 24 hội nghị tuyên truyền về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 3.036 nhóm nòng cốt, 623 câu lạc bộ pháp luật, và 377 mô hình về phổ biến, giáo dục pháp luật . Tổ chức 8.432 hội nghị cho đại biểu dân cử tiếp xúc với cử tri tại các đơn vị bầu cử với hơn 1.100.280 cử tri tại các địa phương trong tỉnh, đã có hơn 41.970 ý kiến, kiến nghị của cử tri phát biểu tại các hội nghị. Đặc biệt, công tác giám sát, phản biện xã hội đã được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng được nâng cao, nội dung giám sát được thực hiện sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực KT-XH và đời sống Nhân dân... Cụ thể, MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức giám sát là 3.657 cuộc; trong đó chủ trì thành lập đoàn giám sát 1.488 cuộc, trong đó giám sát trực tiếp 996 cuộc; giám sát bằng nghiên cứu văn bản 492; tham gia giám sát với các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp là 2.169 cuộc.
Giám sát phản biện là dám nhìn thẳng và nói thẳng
Là một trong số các huyện quan tâm đến hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tính từ năm 2020 đến ngày 30-6-2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống đã chủ trì phối hợp các tổ chức thành viên của mặt trận xây dựng 4 chương trình phối hợp về giám sát và triển khai thực hiện. Với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, MTTQ các cấp trong huyện luôn có nhiều hình thức giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức sáng tạo, đưa ra những kiến nghị, đề xuất sát thực, hiệu quả.
Theo ông Lê Xuân Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nông Cống cho biết: Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (sau đây gọi là Quyết định số 217, Quyết định số 218), Huyện ủy Nông Cống đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện đến đội ngũ cán bộ chủ chốt trong toàn huyện. Các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc huyện ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai tới các đồng chí đảng viên trong chi bộ, bí thư, thôn trưởng, trưởng ban công tác mặt trận và chi hội trưởng các đoàn thể Nhân dân. Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218, công tác kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội đã kịp thời phát huy những ưu điểm, chấn chỉnh những hạn chế và đề ra những giải pháp khắc phục, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Nông Cống tổ chức 90 cuộc đối thoại ở 29 xã, thị trấn; 12 cuộc đối thoại cấp huyện; tổ chức được 283 cuộc góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Từ đó, đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương.
Thôn Phu Huệ, xã Hoàng Giang (Nông Cống) là đơn vị điển hình trong XDNTM kiểu mẫu. Để thực hiện thành công XDNTM kiểu mẫu, cùng với các tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo, an ninh trật tự, thời gian qua, ban công tác mặt trận thôn và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế và tích cực đóng góp tiền, công lao động xây dựng nhà văn hóa, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Bình quân thu nhập của người dân trong thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thôn Phu Huệ đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022 (theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện ngày 9-12-2022).
Ông Lê Khắc Vương, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Phu Huệ chia sẻ: Trước khi triển khai XDNTM kiểu mẫu, ban công tác mặt trận thôn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện. Gia đình, người dân nào chưa thông, thành viên ban công tác mặt trận thôn trực tiếp đến tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn thấu đáo. Trong quá trình triển khai, mọi công việc đều được bàn bạc công khai, minh bạch, có sự tham gia đóng góp ý kiến của Nhân dân nên khi tổ chức thực hiện, Nhân dân rất tích cực ủng hộ. Vì thế, bắt tay vào làm NTM kiểu mẫu, 162 hộ với 710 nhân khẩu của thôn đều sẵn sàng hiến đất mở đường, nỗ lực phát triển kinh tế, từng con đường trong thôn đã có biển tên, không chỉ sạch mà còn khang trang.
Xác định rõ vị trí của mình, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đặc biệt, thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội đã giúp cấp ủy, chính quyền làm tốt hơn việc công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển KT-XH địa phương.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: "Giám sát phản biện là dám nhìn thẳng và nói thẳng. Để phát huy tinh thần dân chủ, vai trò giám sát của Nhân dân, một trong những giải pháp quan trọng chính là các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự lắng nghe dân thông qua việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất. Việc lắng nghe dân một cách nghiêm túc và chân thành sẽ tạo được lòng tin trong Nhân dân thông qua các phản ánh, kiến nghị trực tiếp đến người đứng đầu cấp ủy. Việc luôn lắng nghe, kịp thời giải quyết những băn khoăn bức xúc của Nhân dân đã góp phần tạo mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng".
HUYỀN CHI