(Mặt trận) - Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một chủ trương quan trọng, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa đột phá để giải quyết nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Việc làm này đang được hệ thống Mặt trận tỉnh Ninh Bình triển khai bài bản, có hệ thống, góp phần vào các thành công chung của hoạt động Mặt trận.
|
Đối thoại với người dân, “chìa khóa” thành công trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. |
Theo ông Phạm Văn Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp, sự vào cuộc của chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị, Pháp lệnh số 34/2007/PL - UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11 và các Nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nhiều xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đã phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, làm giàu chính đáng, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội, tăng cường đoàn kết, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng.
Những nội dung công khai theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện khá nghiêm túc; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Việc xây dựng hương ước, quy ước, làng, thôn, khu phố văn hóa, bình xét hộ gia đình văn hóa, quy định mức đóng góp xây dựng, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của xã, phường, thị trấn... đều được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh 100% thôn, xóm, tổ dân phố đã xây dựng và bổ sung quy ước, hương ước với những nội dung sâu sát, thiết thực, phù hợp với thực tiễn, phong tục, tập quán, tôn giáo ở từng khu dân cư, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo hướng văn minh, tiến bộ, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.
Ông Hiện cho rằng, việc thực hiện dân chủ đã gắn liền với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong những năm qua, phong trào xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội, xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được các cấp, các ngành và các tổ chức thành viên của Mặt trận hưởng ứng, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, ổn định tình hình chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
“Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là ở xã, phường, thị trấn đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, người dân được tạo điều kiện để tham gia giám sát các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, đặc biệt là giám sát đối với việc thu, chi, quyết toán các công trình do người dân đóng góp kinh phí; việc thu, chi các loại quỹ, lệ phí; việc thực hiện các chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại địa phương”, ông Hiện nói.
Thông qua việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã giúp cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, băn khoăn của nhân dân để tập trung chỉ đạo giải quyết, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể tiếp tục được phát huy trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
“Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thông qua kết quả tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc kiểm điểm đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức cuối năm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh hoặc xử lý các hành vi vi phạm Quy chế dân chủ. Ngoài ra, hệ thống chính quyền các cấp cũng cần chú trọng công tác hòa giả#i cơ sở, công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”, ông Phạm Văn Hiện chia sẻ.
Tuệ Phương