(Mặt trận) - Rất nỗ lực, Ban soạn thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thiết kế mới hoàn toàn Điều 75 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Vấn đề tiếp theo là phải tách bạch rõ yếu tố công, tư trong nội dung này. Có như vậy mới bảo đảm thị trường đất đai thực sự minh bạch; hài hòa lợi ích giữa các bên; bảo đảm phát triển kinh tế mà vẫn duy trì ổn định và công bằng xã hội.
Trong số hơn 11,6 triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có hơn 888 nghìn ý kiến về thu hồi đất, trưng dụng đất, chiếm 7,6%, cho thấy đây là mỗi quan tâm rất lớn của người dân.
Tiếp thu ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều này. Trong đó quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo đó, Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất trong 4 trường hợp. Một là, để thực hiện các công trình công cộng như: giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông… Hai là, để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp như: Trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cơ sở y tế, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, ngoại giao… Ba là, để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác như: dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển… Cuối cùng, Nhà nước sẽ thu hồi đất đối với các dự án khác để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; thu hồi để giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu dự án có sử dụng đất (trong đó có dự án nhà ở thương mại, dự án).
Rõ ràng Ban soạn thảo đã rất nỗ lực trong việc liệt kê cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, để tránh tình trạng lạm dụng, lách luật… Tuy nhiên, yếu tố công và tư lại chưa được tách bạch rõ trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trong mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ, các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục nếu do Nhà nước đầu tư sẽ là “bệnh viện công”, “trường công lập”; nhưng nếu do tư nhân xây dựng sẽ là “bệnh viện tư”, “trường tư”, bản chất là dự án kinh doanh của tư nhân. Tương tự với các dự án nhà ở xã hội; khu - cụm công nghiệp; khu chế xuất - chế biến nông lâm thủy hải sản tập trung; nghĩa trang hay cơ sở hỏa táng…, khi tư nhân đầu tư tất yếu sẽ là “dự án tư”, “vì lợi ích tư”.
Thực tế cho thấy, việc Nhà nước đứng ra thu hồi đất với những dự án do tư nhân đầu tư thường ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất, gây bức xúc, bất bình, khiếu kiện và không bảo đảm công bằng trong tiếp cận đất đai. Trong nhiều trường hợp, dự án không theo nhu cầu thị trường, dễ rơi vào tay doanh nghiệp thân hữu với chính quyền - chứ không phải là doanh nghiệp cần đất và có khả năng sử dụng đất với hiệu quả kinh tế cao nhất. Cách làm này cũng dẫn đến dễ làm suy thoái đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức địa phương, gây mất niềm tin trong Nhân dân.
Từ đây, bài học rút ra là: Nhà nước không nên đứng ra thu hồi đất cho các dự án vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do tư nhân đầu tư. Với những dự án phục vụ mục đích xã hội do tư nhân xây dựng như bệnh viện, trường học nhà ở xã hội…, việc lấy đất nên theo thỏa thuận giữa hai bên và Nhà nước có thể áp dụng chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích, hỗ trợ.
Tách bạch rõ yếu tố công, tư trong các trường hợp Nhà nước đứng ra thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp tránh được những hệ lụy đã bộc lộ rõ trong nhiều năm qua khi Nhà nước đứng ra thu hồi - chủ yếu là đất nông nghiệp, của chủ thể này, sau đó giao lại cho chủ thể khác mà không qua con đường mua bán, thương lượng.
Hà Lan