(Mặt trận) - Nhấn mạnh, sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này chỉ tập trung thể chế hoá những vấn đề đã rõ, đã chín và Trung ương đã có kết luận, không hợp thức hoá những vấn đề sai phạm trong quản lý đất đai.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển |
Đánh giá năng lực xây dựng pháp luật, kiến tạo phát triển
Phát biểu gợi mở thêm các nội dung thảo luận về dự án Luật Đất đai tại phiên họp chuyên đề pháp luật sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan, đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển, năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới, năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật; cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng thời hạn gửi hồ sơ dự án để thẩm tra vẫn chưa bảo đảm theo quy định, ảnh hưởng đến công tác thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí hồ sơ dự luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư tới.
Tuy nhiên, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật là một trong những vấn đề được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Trước đó, nêu quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Do đó, cần rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên; tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW đã được Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu cụ thể tại báo cáo thẩm tra sơ bộ.
Về kết cấu dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát bố cục của dự thảo Luật để bảo đảm tính logic, hệ thống của các quy định. Bên cạnh đó, qua rà soát sơ bộ cho thấy có khoảng hơn 80/240 điều có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung này để luật hóa tối đa các vấn đề có thể quy định ngay trong Luật.
Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần tiếp tục rà soát, xem xét luật hóa tối đa các quy định, giảm bớt các điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo tính cụ thể, tính minh bạch của luật. Ban soạn thảo cần rà soát tổng thể, đánh giá kỹ lưỡng các luật liên quan đến Luật Đất đai và làm rõ phương án xử lý như thế nào trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với luật khác, xác định thứ tự ưu tiên, nguyên tắc áp dụng pháp luật như thế nào để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Không hợp thức hóa các vi phạm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đây là lần đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật này, nhưng theo ghi nhận của Chủ tịch Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị công phu.
Nêu một số vấn đề về nguyên tắc đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự luật phải bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết.
Chỉ ra một số chủ trương lớn cần tiếp tục cần thể chế hóa trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý “những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương thì tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, chỉ thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và Trung ương đã có kết luận”. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải kế thừa các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, vận hành thông suốt. Sửa đổi, bổ sung các quy định để khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài và tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Mọi đề xuất, quy định đưa vào dự án luật phải đánh giá rất kỹ lưỡng, trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của cộng đồng, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người dân, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Thực hiện tách bạch giữa quan hệ đất đai mang tính chất công với những quan hệ đất đai mang tính chất tư.
Về áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nói “phải thể hiện được Luật Đất đai là một bộ luật căn bản, cơ bản về đất đai nhưng phải tuân thủ nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong áp dụng luật.”
Hoàng Ngọc