Số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm rõ rệt so với năm 2020

(Mặt trận) - Chiều 6/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng, thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 của Chính phủ.

Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án, 2 vụ việc

Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng

 Quang cảnh cuộc họp

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo bảo đảm thông suốt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh đối với công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Các cấp, các ngành quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm rõ so với năm 2020, trong đó, số lượt người giảm 21,6%; số lượt đoàn đông người giảm 9%; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 24,4%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 22,1%. Cụ thể, số lượng vụ việc, đơn thư khiếu nại năm 2021 so với năm 2020 giảm 19,3% số đơn và giảm 23,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền, trong đó lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ 64,6%, chủ yếu khiếu nại việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất dịch vụ và các dự án khu dân cư, khu du lịch, thương mại, chuyển đổi mô hình chợ, các dự án giao thông, quy hoạch, xây dựng khu đô thị…; khiếu nại về chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người có công chiếm 10,3%, trong lĩnh vực tư pháp chiếm 2,3%, còn lại là các lĩnh vực khác.

Về tố cáo, so với năm 2020 giảm 35,1% số đơn, giảm 18,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; có lối sống, sinh hoạt không đúng mực, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 84,6%; tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm tỉ lệ 3,5%; tố cáo hành vi tham nhũng chiếm tỉ lệ 1,2%.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực tham dự cuộc họp 

Về nguyên nhân khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, bên cạnh nguyên nhân có sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn có nguyên nhân khách quan là tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19. Do tác động của dịch bệnh nên số dự án triển khai ít hơn, chậm hơn so với trước (nhất là các dự án liên quan đến thu hồi đất, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân); mặt khác, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh nên ít công dân đến cơ quan có thẩm quyền để khiếu nại, tố cáo.

Tại phiên họp, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng, thời gian qua công tác xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng xử lý đơn thư được nâng lên. Tuy nhiên, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để công tác này đạt hiệu quả thực chất. Thực tế cho thấy, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa nhận thức còn kém và đây là một nguyên nhân khiến hầu hết là đơn thư khiếu kiện ở khu vực này đều vượt cấp. Qua thực tế công tác tại địa phương, đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, công tác phổ biến giải thích pháp luật ở một số địa phương có hạn chế nhất định, cơ quan quản lý chưa được quan tâm nhiều đối, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cáo vượt cấp. 

Cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ, một số Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, các cơ quan chức năng cần phân tích làm rõ việc thực hiện các kiến nghị đã được đề ra từ các năm trước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục quán triệt đến các địa phương, các cấp các ngành về quan điểm của Đảng, nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để đơn thư quá hạn, các vụ việc tồn đọng kéo dài.