Phú Yên: Lắng nghe dân để phản biện xã hội hiệu quả

(Mặt trận) -Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên và Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố vừa tổ chức các hội nghị phản biện xã hội (PBXH) bằng hình thức trực tiếp đối với dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Chí Thạnh - Vân Phong thuộc dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là dự án cao tốc Bắc - Nam) đoạn qua địa phận tỉnh, thu hút nhiều sự tham gia góp ý, kiến nghị của người dân.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Nhiều băn khoăn cần được giải tỏa

Dự án cao tốc Bắc - Nam có hướng tuyến đi qua địa bàn TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa và các huyện Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa. Điểm đầu tại Km0+000, giao cắt với đường kết nối thị trấn Chí Thạnh, trùng với điểm cuối cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, thuộc địa phận thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An). Điểm cuối ở Km49+522, tại vị trí kết nối với dự án hầm đèo Cả thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa. Tổng chiều dài dự án 49,52km. Dự án đi qua địa bàn thị trấn Chí Thạnh và các xã An Cư, An Hiệp, An Hòa Hải, An Mỹ, An Chấn (huyện Tuy An); các xã An Phú, Bình Kiến, Hòa Kiến và phường 9 (TP Tuy Hòa); xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa); các xã Hòa An, Hòa Trị (huyện Phú Hòa); các xã Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam và phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa). Sơ bộ, phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án hơn 424,3ha; trong đó, đất rừng 66,13ha, đất lúa 191,8ha, các loại đất khác 166,38ha.

 Ông Nguyễn Đăng Tiên, thành viên HTX Nông nghiệp 2 phường 9 (TP Tuy Hòa) tham gia góp ý tại hội nghị phản biện dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: THÚY HẰNG

Đây là dự án lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, nên tại các hội nghị PBXH, dù đồng tình cao về việc triển khai dự án, song người dân vẫn còn băn khoăn nhiều vấn đề. Ông Lê Văn Suyền, một người dân ở phường 9 cho hay: “Tôi thống nhất rằng cần thiết phải thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam. Tôi chỉ băn khoăn về những tác động của dự án này trong thời gian tới, đó là việc làm lúa 2 vụ của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Tôi hy vọng chủ đầu tư dự án nghiên cứu để tránh tình trạng ngập úng”. Cùng nỗi lo này, ông Nguyễn Đăng Tiên, thành viên HTX Nông nghiệp 2 phường 9 chia sẻ: Hệ thống kênh mương trên đồng ruộng của HTX quản lý đang vận hành ổn định, đảm bảo sản xuất cho bà con. Khi dự án triển khai thì sẽ như thế nào, công tác đền bù ra sao?”.

Vì là dự án lớn, phạm vi ảnh hưởng trải dài qua nhiều địa phương nên ý kiến người dân trong vùng bị ảnh hưởng không chỉ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, đền bù mà còn tập trung vào vấn đề phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. “Lợi ích của dự án thì không có gì để bàn nữa, vấn đề đáng quan tâm là địa phương liệu có đảm bảo tính nhanh chóng kịp thời, an toàn khi xuất hiện các vấn đề môi trường, các sự cố, rủi ro môi trường đột xuất có nguyên nhân từ việc thực hiện dự án? Các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường có khả thi, hiệu quả đối với huyện Tuy An nói chung và các xã ven biển thuộc huyện Tuy An nơi dự án đi qua”, một người dân ở xã An Hòa Hải nêu.

Xây dựng chính sách phù hợp điều kiện thực tế

Các ý kiến kiến nghị cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con đều được chủ đầu tư dự án và MTTQ các cấp tiếp thu, tổng hợp gửi cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Trong quá trình phản biện, chủ trì các hội nghị PBXH cũng trực tiếp tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tạo sự đồng thuận trong thời gian tới.

PBXH không chỉ cung cấp thông tin, tư liệu cùng với các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị liên quan đến đối tượng phản biện, mà quan trọng hơn, PBXH chỉ ra được những hạn chế, nêu lên những cách nhìn và giải quyết vấn đề. Với ý nghĩa như vậy, PBXH luôn trên tinh thần xây dựng, góp ý của xã hội đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước để cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc, rồi sửa đổi hay bổ sung cho hợp lý.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên cho hay: Bằng hoạt động PBXH, người dân thấy rõ hơn quyền và trách nhiệm công dân trong tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; Nhà nước thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc lắng nghe và phản hồi ý kiến của người dân. Điều này giúp thay đổi những bất cập, xây dựng các chính sách phù hợp điều kiện thực tế; đồng thời tạo được niềm tin cho người dân. Chính vì vậy, PBXH là nhu cầu tất yếu của đời sống dân chủ, của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Làm sao để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm có hiệu quả cùng với hệ thống chính trị của chúng ta. 

Vì là dự án lớn, phạm vi ảnh hưởng trải dài qua nhiều địa phương nên ý kiến người dân trong vùng bị ảnh hưởng không chỉ băn khoăn về công tác giải phóng mặt bằng, đền bù mà còn tập trung vào vấn đề phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường…

THÚY HẰNG