Phú Yên: Hóa giải mâu thuẫn nhờ làm tốt công tác hòa giải cơ sở

(Mặt trận) -Công tác hòa giải cơ sở luôn được MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên chú trọng. Nhờ đó, những mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân được giải quyết kịp thời, góp phần giảm thiểu vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài, ổn định tình hình an ninh trật tự tại các địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Gỡ nút thắt mâu thuẫn

Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa vừa tiến hành giám sát việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại các xã, phường trên địa bàn thành phố từ tháng 1/2021-6/2022.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa giám sát việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại xã An Phú. 

Theo đó, từ tháng 1/2021-6/2022, trên địa bàn thành phố có 91/91 khu dân cư tổ chức bầu tổ hòa giải theo quy định, thường xuyên củng cố, kiện toàn với 522 hòa giải viên cơ sở đảm bảo số lượng, thành phần tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; mỗi tổ có từ 5-7 hòa giải viên. Các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận hòa giải 127 vụ, hòa giải thành 118 vụ, đạt tỉ lệ 92,9%. Các vụ việc mà các tổ hòa giải tiếp nhận đa phần liên quan đến việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, tranh chấp tài sản...

Ông Lê Văn Lợi, Bí thư chi bộ, Khu phố trưởng khu phố Lê Lợi, phường 3 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Bà con trong khu dân cư nhiều khi chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt, nhưng do không biết phân định đúng sai nên dẫn đến cãi vã rồi kiện tụng nhau làm mất tình làng, nghĩa xóm. Vì vậy, những thành viên tổ hòa giải phải nắm bắt, giải quyết kịp thời những thắc mắc, mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh. Là một thành viên của tổ hòa giải, tôi luôn đảm bảo tính khách quan, công tâm để cùng chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở tháo gỡ nút thắt mâu thuẫn một cách thỏa đáng nhất, tránh kiện tụng vượt cấp”.

Qua giám sát việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại các xã, phường trên địa bàn thành phố, ông Phạm Hiểu, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa đánh giá: Nhìn chung, công tác hòa giải ở cơ sở đã giúp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở thôn, khu phố thường là cán bộ mặt trận hoặc thành viên các tổ chức đoàn thể chính trị, đa phần không có chuyên môn về luật, chỉ dựa vào kinh nghiệm hoặc uy tín tại khu dân cư nên công tác hòa giải không tránh khỏi một số hạn chế. Điều này dẫn tới tình trạng các tổ hòa giải cơ sở chưa thể phát huy hết vai trò, vị trí trong cộng đồng dân cư.

Phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên, 9 tháng đầu năm 2002, MTTQ các cấp phối hợp cùng các đoàn thể, Nhân dân ở cơ sở, ở khu dân cư, tham gia hòa giải thành 338/519 vụ mâu thuẫn ở địa bàn dân cư liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình; hòa giải không thành 142 vụ việc, 39 vụ việc đang xem xét giải quyết. Cụ thể, TX Sông Cầu hòa giải thành 15/34 vụ, các huyện Tuy An hòa giải thành 83/121 vụ, Tây Hòa hòa giải thành 54/74 vụ, Đồng Xuân hòa giải thành 59/63 vụ, Phú Hòa hòa giải thành 52/71 vụ, Sơn Hòa hòa giải thành 9/15 vụ, Sông Hinh hòa giải thành 36/57 vụ, TX Đông Hòa hòa giải thành 26/70 vụ, TP Tuy Hòa hòa giải thành 4/14 vụ.

Với phương châm giải quyết dứt điểm từ cơ sở, các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày... đã được các tổ hòa giải ở các thôn, khu dân cư phối hợp cùng cán bộ các xã, phường, thị trấn phân tích hợp tình, hợp lý, khéo léo vận động Nhân dân, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp. Bà Huỳnh Thị Son, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Hòa nói: Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt… Vì lẽ đó, hòa giải ở cơ sở không chỉ kịp thời giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Vì vậy, thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan tư pháp và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải; củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 

Hòa giải ở cơ sở không chỉ giải quyết kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Bà Huỳnh Thị Son, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy,

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Hòa

THÚY HẰNG