Phú Yên giám sát, phản biện xã hội: Hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng

(Mặt trận) -Trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị, thành phố hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội (PBXH) hướng vào các lĩnh vực, vấn đề có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp Nhân dân; đến việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Bắc Kạn: Hiệu quả thiết thực từ giám sát

Bình Thuận: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội

Đảng lãnh đạo phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ

Bám sát thực tiễn

Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác giám sát và PBXH năm 2022. Theo đó, trong năm 2022, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức giám sát hơn 120 chuyên đề; góp ý 145 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án và các văn bản khác theo đề nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh, chính quyền và các cơ quan liên quan. Trong đó, nổi bật là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh năm 2022.

 Bà Đinh Hồng Nga, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tuy An tham gia góp ý tại hội nghị tổng kết công tác giám sát, PBXH năm 2022.

Qua giám sát chưa phát hiện cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trên địa bàn. Đa số người đứng đầu, cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương trong mọi hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị. “Nhìn chung, qua hoạt động giám sát, các đoàn giám sát có sự nghiên cứu kỹ và sâu nội dung giám sát, đánh giá khách quan kết quả thực hiện các nội dung theo chuyên đề giám sát, xác định những tồn tại, vướng mắc và kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét giải quyết. Đồng thời theo dõi thường xuyên và giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho hay.

Trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên cũng đã chủ trì tổ chức PBXH đối với 59 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 3 dự án. Trong đó, tổ chức PBXH bằng hình thức đối thoại đối với 3 dự án có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, như: dự án Hồ Suối Cái (huyện Phú Hòa); dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Chí Thạnh - Vân Phong; dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh thuộc dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo các đại biểu, nội dung phản biện trong năm 2022 tập trung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân nên đã thu hút nhiều người tham gia. Ý kiến phản biện của người dân và các chuyên gia, được các đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu và phản hồi bằng văn bản theo quy định, góp phần hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng.

Cần sự chủ động

Mặc dù công tác PBXH của Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên ngày càng chất lượng, đi vào chiều sâu, song tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn thẳng thắn nhìn nhận: Công tác PBXH của MTTQ các cấp tuy có bước chuyển biến mới nhưng một số nơi MTTQ còn lúng túng trong xây dựng các kế hoạch tổ chức phản biện, chưa xác định rõ nội dung cần tập trung và đối tượng lấy ý kiến phản biện, do đó chất lượng các ý kiến phản biện chưa cao, còn mang tính chất tập hợp, góp ý kiến. Hoạt động PBXH của MTTQ các cấp mới chỉ tập trung vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, việc tổ chức PBXH đối với các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương rất ít.

Trao đổi tại hội nghị, ông Đỗ Duy Phong, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân) nêu: Các thành viên của ban thanh tra Nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng do thiếu kinh nghiệm, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, chủ yếu là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giám sát. Mặt khác, ban giám sát đầu tư của cộng đồng không có kinh phí để hoạt động nên chưa phát huy hết sự nhiệt tình trong mỗi thành viên.

Đây cũng là tâm tư của nhiều đại biểu gửi đến hội nghị. Bởi thực tế cho thấy, ban giám sát đầu tư của cộng đồng mạnh thì việc thực hiện nhiệm vụ giám sát tại cơ sở mới phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong giám sát và phát hiện các vấn đề tiêu cực…

Sau khi tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị MTTQ các cấp tỉnh Phú Yên chủ động tham mưu cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động giám sát và PBXH; chủ động đề nghị chính quyền tạo mọi điều kiện để tổ chức giám sát và PBXH ngày càng hiệu quả hơn. MTTQ các cấp cũng cần quan tâm theo dõi, giám sát việc tiếp thu, giải trình các ý kiến PBXH của đơn vị chủ trì soạn thảo và các chủ đầu tư; phản hồi, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo đối với những ý kiến giải trình chưa phù hợp, góp phần đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân…

Hoạt động PBXH của MTTQ đã tạo điều kiện để Nhân dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Nhân dân. Qua đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các dự thảo chính sách, đề án, dự án, chương trình trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp Nhân dân.

Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

 THÚY HẰNG