Phú Yên: Giám sát, phản biện vì lợi ích của nhân dân

(Mặt trận) -Giám sát, phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thời gian qua, hoạt động này luôn được Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Phú Yên tập trung thực hiện và đã mang lại kết quả tích cực, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả quản lý xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân…

MTTQ tỉnh Lào Cai lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp

Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sắp xếp bộ máy cần đảm bảo quyền lợi người lao động

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri

Giám sát nhiều nội dung, vấn đề

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên cho biết: Để thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên đã làm tốt công tác tham mưu Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội. Hàng năm, thông qua việc nắm bắt tình hình nhân dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội bàn bạc, lựa chọn những vấn đề nhân dân bức xúc, quan tâm để xây dựng kế hoạch giám sát.

 MTTQ huyện Phú Hòa tham gia giám sát tình hình, chất lượng giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình tại Tòa án nhân dân huyện. Ảnh: QUỲNH CHI

Theo đó, công tác giám sát theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị đã được MTTQ và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh Phú Yên thực hiện từng bước đi vào nền nếp. Nội dung giám sát gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Cụ thể, năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì 7 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó giám sát trực tiếp 3 chuyên đề, về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và việc triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 (đợt 1) tại các huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng 4 kế hoạch và tổ chức giám sát bằng văn bản về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản là vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh năm 2021; kế hoạch tổ chức giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ trên địa bàn tỉnh năm 2021; kế hoạch giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp năm 2021; giám sát “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh còn hướng dẫn, đôn đốc Mặt trận các cấp trong tỉnh lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hướng vào các lĩnh vực, vấn đề có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến các tầng lớp nhân dân; việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Kết quả, cấp huyện thực hiện 128 cuộc giám sát; cấp quả chủ trì tổ chức 227 cuộc giám sát.

Bà Huỳnh Thị Son, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Hòa cho hay: Hàng năm, thông qua việc nắm bắt tình hình nhân dân, Ủy ban MTTQ huyện bàn bạc, lựa chọn những vấn đề nhân dân bức xúc, quan tâm để xây dựng kế hoạch giám sát, trao đổi, thống nhất với HĐND huyện và trình thông qua Ban Thường vụ Huyện ủy để xin chủ trương thực hiện. Trong năm 2021, Ủy ban MTTQ huyện đã thành lập 2 đoàn giám sát để giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn huyện; giám sát về chế độ chính sách của Nhà nước cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Qua đó, đã tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết cho 3.480 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền hơn 5,68 tỉ đồng. MTTQ huyện cũng đã phối hợp với Thường trực HĐND huyện tổ chức 3 cuộc giám sát về thực hiện các quy định pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một số công trình, dự án đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, UBND xã Hòa Định Đông và thị trấn Phú Hòa… “Sau mỗi đợt giám sát, Mặt trận đều tổng hợp và báo cáo Thường trực Huyện ủy, kiến nghị đến ngành chức năng có liên quan trả lời thỏa đáng cho người dân. Nhờ đó, hoạt động giám sát đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, làm chuyển biến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội”, bà Son nói.

Chú trọng chất lượng và hiệu quả trong phản biện xã hội

Thông tin về công tác phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên, cho hay thời gian qua, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác thực hiện chức năng phản biện xã hội. Qua đó, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước tại địa phương trước khi ban hành, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân, có sự đồng thuận xã hội cao.

Năm 2021, Ban Thường trực Ủy MTTQ tỉnh Phú Yên đã tổ chức 41 hội nghị phản biện xã hội; đã góp ý 40 dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền. Các văn bản góp ý của Ban Thường trực liên quan mật thiết quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đến dân chủ, đồng thuận xã hội. Nhiều nội dung góp ý của Mặt trận đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, qua đó ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của Mặt trận trong quá trình góp ý và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, đáng chú ý là các góp ý vào: Dự thảo nội dung đề xuất điều chỉnh thời gian làm việc đối với các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; dự thảo Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo điều hành công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh…

Ở cấp huyện, xã, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng được chú trọng hơn. Theo ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Hòa, phản biện xã hội là hoạt động khá khó, đòi hỏi người tham gia phản biện phải có trình độ, năng lực, khả năng tư duy, dự báo, phán đoán và kỹ năng phản biện tốt, điều quan trọng nữa là phải am hiểu về lĩnh vực tham gia phản biện. Ủy ban MTTQ huyện thường xuyên tổ chức tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ, nhất là kiến thức về phản biện cho đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể các cấp. Tích cực phối hợp, trao đổi, phản ánh thông tin với các cơ quan nhà nước, các ngành chức năng. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Đặc biệt là phát huy vai trò của các ủy viên Ủy ban Mặt trận, người có uy tín, chuyên gia trong các lĩnh vực tham gia giám sát, phản biện để thực hiện.

Công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã và đang phát huy được hiệu quả thiết thực, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội vẫn còn những hạn chế trong phối hợp và hiệu quả một số nội dung chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa thực sự được quan tâm và gặp nhiều khó khăn, bất cập về cơ chế… Để thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tích cực trong tham gia thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó với vai trò giám sát của mình, khuyến khích người dân phản ảnh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 

Từ thực tiễn hoạt động, thời gian tới, MTTQ các cấp tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giám sát và phản biện xã hội, trong đó tập trung vào những vấn đề bức xúc trong nhân dân, đi sâu vào giám sát, phản biện ở một số lĩnh vực, một số nội dung quan trọng, phức tạp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc tham gia xây dựng chính quyền, làm cho chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, gần dân và sát dân hơn.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên - Nguyễn Quốc Hoàn

THÚY HẰNG - QUỲNH CHI