Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát

(Mặt trận) - Phát biểu tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 13.5, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời, cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, nhất là tình trạng biến động của thị trường vàng trong nước cần được quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Có giải pháp bảo đảm cung ứng điện

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dù gặp sức ép lớn từ những thách thức toàn cầu, nhưng năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội đã có những điểm sáng, hoàn thành 10/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội; trong quý I.2024, tăng trưởng kinh tế đạt 5,66% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp và xây dựng, nông lâm, thủy sản, khu vực dịch vụ dần lấy lại đà tăng trưởng. Các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 đều đạt kết quả rất tích cực.

Phân tích tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, không đạt mục tiêu đề ra là 6,5%, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận định, Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành, vượt qua khó khăn, trong khi một số nước trong khu vực tăng trưởng âm. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hạ nhiệt, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư tư nhân năm 2023 giảm; thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng; tốc độ đầu tư của tư nhân trong nước giảm còn 2,8%, kéo tốc độ tổng đầu tư giảm còn 4,1%, cho dù đầu tư trực tiếp nước FDI vẫn giữ vững và đầu tư công được cải thiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về tác động của tăng trưởng, như xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước trong năm qua để làm rõ nguyên nhân, giải pháp cho phù hợp trong 8 tháng còn lại của năm 2024.

Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, tổng vốn FDI 4 tháng đầu năm 2024 là 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp lớn cam kết đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các ngành điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo. Đánh giá cao những kết quả này, song Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ rõ thực tế nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất lo ngại về tình trạng thiếu điện và đánh giá sự cố thiếu điện ở miền Bắc là khá nghiêm trọng.

"Chính phủ cần đánh giá, có giải pháp bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt gấp rút hoàn thành đường dây 500 kW mạch ba kéo điện ra miền Bắc, đồng bộ với hệ thống điện quốc gia, cũng như giảm tải sự thiếu điện", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát cần được quan tâm. Hiện nay giá USD bán ra tại ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, thậm chí có ngân hàng vượt 25.000 đồng/USD, dự báo sắp tới tiếp tục tăng. Giá vàng cũng tăng, thậm chí trên 90 triệu đồng/lượng. Điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp và tác động lớn đến thị trường trong nước.

"Do đó, Chính phủ cần có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời, để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, nhất là tình trạng biến động của thị trường vàng trong nước cần được quan tâm. Chính phủ chỉ đạo khẩn trương, rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng; khắc phục tình trạng vàng miếng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị.

Rà soát dự án đầu tư công chậm giải ngân để sớm điều chỉnh, bổ sung

Về quản lý ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần khắc phục một số tồn tại, trong đó công tác dự báo còn chưa sát, các địa phương giao tăng cao hơn so với dự toán được Quốc hội quyết định.

Đối với công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, Chính phủ đã ban hành kế hoạch, giải pháp cụ thể sắp xếp doanh nghiệp có vốn nhà nước, tuy nhiên, hiện nay giải pháp này chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Tình trạng nợ đọng thuế diễn biến xấu đang có xu hướng gia tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn… Tình trạng phân bổ vốn đầu tư giải ngân chậm, còn 70 nghìn tỷ đồng chưa hoàn thiện thủ tục, sắp tới cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục này.

Để hoàn thành các chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện đầy đủ các giải pháp đã được Quốc hội nêu tại Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Đi đôi với đó, phải tiếp tục thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát các dự án đầu tư công chậm giải ngân để sớm điều chỉnh, bổ sung cho các dự án có khả năng giải ngân, sớm trình cấp thẩm quyền quyết định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát thực hiện công tác thu chi ngân sách nhà nước.