Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở trong thời kỳ mới

(Mặt trận) - Luật Hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở. Thông qua hoạt động này, các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến rộng đến cộng đồng dân cư; đồng thời, giúp giải quyết êm thấm các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ gia đình, dòng tộc, làng xóm, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong Nhân dân.

MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

Nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát giữa Hội đồng nhân dân và MTTQ các cấp để xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả vì lợi ích chính đáng của Nhân dân

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Phấn đấu đến 2025 hoàn thành sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trao quà của Ban Chỉ đạo 138 Trung ương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tiên Hội tại Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2024 

Để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân” và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, công tác hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết êm thấm các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ gia đình, dòng tộc, làng xóm, góp phần tăng cường đoàn kết cộng đồng ở các khu dân cư. 

Nhằm phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở như: Điều 5 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định: “Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở”; Điều 30 Luật Hòa giải ở cơ sở đã quy định: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật”.

Tại Điều 17 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện chính sách, pháp luật với các nội dung: Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức vận động Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước ở khu dân cư; chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở”.

Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên nguyên tắc: “Việc phối hợp hoạt động được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; tăng cường tính chủ động, tích cực của mỗi cơ quan, tổ chức trong công tác hòa giải ở cơ sở. Việc phối hợp phải thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật”.

Đồng thời quy định: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp ở địa phương mà nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam hướng dẫn, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận làm hòa giải viên hoặc tham gia trực tiếp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải trên địa bàn. Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với tổ trưởng Tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải bao gồm: Kết quả hoạt động của Tổ hòa giải về số vụ, việc tiếp nhận; số vụ, việc hòa giải thành, số vụ, việc hòa giải không thành; số vụ, việc chưa giải quyết, số vụ, việc đang giải quyết; kết quả hoạt động của từng hòa giải viên về số vụ, việc đã giải quyết, số vụ, việc hòa giải thành, số vụ, việc hòa giải không thành; số vụ, việc chưa giải quyết và số vụ, việc đang giải quyết”.

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (gọi chung là khu dân cư).

Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của Nhân dân được thành lập ở cơ sở để hoạt động hòa giải trên nguyên tắc: “Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự”1.

Từ khi triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến nay, hệ thống Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ trung ương đến cơ sở đã phối hợp với hệ thống chính quyền các cấp và các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, lựa chọn, giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn để bầu ra các Tổ hòa giải ở cơ sở.

Theo thống kê trên địa bàn cả nước đã thành lập được 96.896 Tổ hòa giải ở cơ sở, với tổng số hòa giải viên là 601.312 người (trong đó: cán bộ Mặt trận tham gia hòa giải viên là: 128.091 người, Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia hòa giải viên là: 107.068 người. Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng là 366.153 người. Đội ngũ hòa giải viên là những người có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về phong tục, tập quán của địa phương, có uy tín trong cộng đồng dân cư và khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở. Thành phần Tổ hòa giải gồm: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận (nhiều địa phương Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận), trưởng các đoàn thể, trưởng các chi hội, người có uy tín tiêu biểu…

Đối với những địa bàn có nhiều thành phần dân tộc sinh sống đều có hòa giải viên là người có uy tín dân tộc thiểu số, tỷ lệ nữ tham gia đảm bảo theo quy định. Mặt trận Tổ quốc cấp xã đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo khu dân cư đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước đã tạo sự gắn kết tự nhiên giữa các gia đình cùng chung sống thành cộng đồng bền chặt ở cộng đồng dân cư trên cơ sở phát huy tinh thần tự quản vì những lợi ích thiết thực của cả cộng đồng.

Sự tương đồng ở những khía cạnh nhất định về lối sống, quan điểm tiếp cận vấn đề của các thành viên trong Tổ hòa giải với các thành viên trong Tổ tự quản ở cộng đồng gắn với việc thực hiện qui ước, hương ước đã góp phần không nhỏ trong quá trình hòa giải thành các mâu thuẫn phát sinh do hòa giải viên hiểu biết các giá trị luật tục, quy ước, hương ước trong cộng đồng nên phát hiện sớm và nắm bắt được nội dung mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh để hòa giải kịp thời.

Trong 6 năm triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, các hòa giải viên ở các khu dân cư trên cả nước đã phát hiện, tiếp nhận và tiến hành hòa giải 875.573 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích giữa các cá nhân với nhau; tranh chấp về quyền và lợi ích xuất phát từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật chưa đến mức xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc vi phạm hành chính… (trong đó, hòa giải thành là 707.945 vụ, đạt tỷ lệ 80,6%.

Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 120.000 vụ việc và hòa giải thành trên 100.000 vụ việc. Tỷ lệ hòa giải thành tăng dần theo từng năm như sau: năm 2014, tỷ lệ hòa giải thành cả nước là 78,8%; năm 2019 tỷ lệ này là 82,9%, có một số tỉnh có tỷ lệ hòa giải thành trên 90% như các tỉnh: An Giang, Long An, Hà Nam, Khánh Hòa, Yên Bái, Hậu Giang. Đánh giá hiệu quả về mặt chi phí, nếu tính trung bình mức án phí người dân phải nộp là 300 nghìn/một vụ khi kiện ra tòa thì một năm đã tiết kiệm được khoảng 50 tỷ; nếu tính kinh phí thụ lý vụ việc chi cho mở phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ mỗi năm, chưa kể giúp cho người dân giảm tiền chi phí đi lại khi phải đến tòa, việc hòa giải ở cơ sở còn giúp giảm gánh nặng công việc cho Tòa án hiện nay vốn đang quá tải2.

Thông qua vai trò của Mặt trận các cấp trong việc thành lập Tổ hòa giải ở khu dân cư, công tác hòa giải ở các khu dân cư theo các vùng, miền khác nhau đã góp phần khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khi giải quyết tận “gốc” các mâu thuẫn, tranh chấp trên cơ sở “không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều thắng”, giảm bớt các vụ việc phải xét xử tại Tòa án.

Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy, có những vụ việc nếu không được phát hiện sớm, hòa giải kịp thời, thì chỉ từ những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp hết sức nhỏ trở thành phức tạp, làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng, gay gắt, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tính mạng của các bên, gây mất an ninh, trật tự công cộng, làm tổn hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí từ tranh chấp dân sự chuyển thành vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự. Đồng thời, thông qua hoạt động của các thành viên Tổ hòa giải đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc một cách trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải. Hoạt động của một số Tổ hòa giải ở cơ sở chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức; trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm hòa giải của các hòa giải viên hạn chế, đặc biệt là trong việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng mang tính chuyên đề về công tác hòa giải. Một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào Công giáo, vùng dân tộc thiểu số việc vận động phụ nữ tham gia làm hòa giải viên gặp khó khăn.

Để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản của Nhân dân theo phương châm “lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân”, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh, giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong từng gia đình, từng dòng họ, từng cộng đồng dân cư, Mặt trận các cấp cần tiếp tục phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp tập trung củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên. Hướng dẫn các tổ hòa giải xây dựng quy chế hoạt động và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, xã hội, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho lực lượng hòa giải viên trên cơ sở tăng cường tổ chức tập huấn chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi.

2. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; giáo dục tính tự nguyện lựa chọn hình thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng. Tiếp tục xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên, Nhân dân cùng tham gia nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật.

3. Tăng cường công tác tự quản của Nhân dân ở khu dân cư thông qua hoạt động của Tổ tự quản và Tổ hòa giải gắn với việc thực hiện quy ước, hương ước, phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu tham gia công tác hòa giải. Quá trình hòa giải, Tổ hòa giải phải hết sức mềm dẻo, giải quyết tranh chấp trên cơ sở quy định pháp luật nhưng cũng phải vận dụng các quy ước, hương ước, luật tục trên cơ sở vừa có tình, có lý gắn kết với tình nghĩa láng giềng, họ hàng, thân tộc… để “hạ nhiệt” các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng.

Đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ, công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật ở các khu dân cư. Hòa giải viên phải đi sâu, đi sát xuống từng hộ dân, lắng nghe Nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn để hòa giải thành công theo tinh thần hòa giải hiểu Dân, trọng Dân và có trách nhiệm với Dân.

4. Hàng năm, tổ chức sơ kết đánh giá định kỳ, qua đó rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các Tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc, góp phần nâng cao vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đảm bảo hoạt động hòa giải các địa phương cần cân đối được ngân sách, quy định mức chi đúng theo văn bản hướng dẫn để chi trả chế độ thù lao cho hòa giải viên. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở ” theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Chú thích:

1.     Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

2.     Báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện công tác hòa giải của Bộ Tư pháp năm 2019.