Phát huy vai trò giám sát của nhân dân

(Mặt trận) -Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng tỉnh Hòa Bình đã phát huy tốt dân chủ cơ sở, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát các công trình đang thực hiện trên địa bàn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành 14 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Nam Định nâng cao vai trò giám sát của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân tham gia hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

 Giám sát xây dựng nông thôn mới được coi là một trong những hoạt động mũi nhọn của Hoà Bình.

Theo bà Nguyễn Thị Oanh-Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trong năm 2019, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ trì tổ chức được 303 cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh tổ chức được 20 cuộc, cấp huyện 48 cuộc và cấp xã 235 cuộc giám sát. Các cuộc giám sát của Mặt trận đều được cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Các nội dung kiến nghị sau giám sát đều được xem xét, giải quyết. Đặc biệt, những kết quả tích cực trong hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐT của cộng đồng đã góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Ban TTND đã thực hiện 524 cuộc giám sát, trong đó 75,4% số vụ việc kiến nghị được xử lý và trả lời. Ban GSĐT của cộng đồng thực hiện 853 cuộc giám sát, trong đó 97,8% số vụ được xem xét, giải quyết.

Một trong những đơn vị làm tốt các hoạt động giám sát ở cơ sở đó là xã Thu Phong, huyện Cao Phong. Với đặc thù là xã được chọn làm điểm trong xây dựng NTM nên trong những năm gần đây địa phương tiến hành xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông thôn.

Trước những bộn bề công việc, MTTQ xã Thu Phong đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác thanh tra, giám sát của nhân dân đối với các công trình đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước và cộng đồng trên địa bàn. Theo đó, Ban GSĐT của cộng đồng đã lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên theo các lĩnh vực như: giám sát nhà văn hóa trung tâm xã, đường giao thông nông thôn… Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm, góp phần ổn định tình hình ở địa phương.

Chia sẻ thành công trong các hoạt động giám sát ở cộng đồng, bà Phạm Thị Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thu Phong cho biết, hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng xã thời gian qua góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí trong các công trình xây dựng; kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc của nhân dân. Từ đó củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, khơi dậy, phát huy sự tham gia của nhân dân để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương.

Với những kết quả nổi bật trong hoạt động giám sát khiến cho uy tín của xã ngày một đi lên cho nên huyện Cao Phong đã quyết định chọn xã Thu Phong là một trong hai xã thực hiện mô hình điểm “Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng”; nhập hai ban làm một gọi chung là Ban TTND và GSĐT của cộng đồng gồm 10 thành viên.

“Tuy nhiên, hoạt động của Ban TTND và GSĐT của cộng đồng xã có lúc chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Sự hiểu biết về công tác thanh tra, giám sát của một số thành viên còn hạn chế. Nhà thầu chậm cung cấp thông tin về công trình. Kinh phí và điều kiện hỗ trợ cho hoạt động của Ban còn hạn hẹp... nên cần phải được đầu tư, hỗ trợ sao cho tương xứng“- bà Phạm Thị Thủy chia sẻ.

Giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong công tác Mặt trận. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng ban Dân vận tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hoà Bình, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, thực hiện có hiệu quả hơn nữa hoạt động giám sát để đáp ứng với sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy Đảng và nhân dân.

Do đó, trong năm 2020, Mặt trận các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội, để các chính sách dễ đi vào cuộc sống.

“Muốn làm tốt được việc đó thì công tác tuyên truyền, vận động phải được coi trọng. Cán bộ Mặt trận phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, các CVĐ. Cán bộ Mặt trận muốn hiểu được dân thì phải thường xuyên gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, với phương châm hướng về cơ sở, lấy khu dân cư là địa bàn hoạt động, phải nắm được tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của nhân dân để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ; trong đó vai trò “tai mắt” của nhân dân là Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng ở cơ sở phải được coi trọng và phát huy”- bà Oanh nhấn mạnh.

TUỆ PHƯƠNG